Hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống khá dồi dào với giá bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân sau tết
Từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán, một số chợ truyền thống từ thành thị đến nông thôn đã có người mua, bán trở lại. Chưa sôi động như ngày thường, mặt hàng được một số người dân bày bán chủ yếu là "sản vật" nhà trồng như rau cải, xà lách, cau trầu... Những điểm kinh doanh dịch vụ quán ăn, giải khát, bán hàng thực phẩm tươi sống... ở nhiều nơi chủ động "nhích" giá khoảng 20% so với ngày thường.
Đến ngày mồng 6 tết, hoạt động mua bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm đều đã hoạt động bình thường trở lại. Sức mua dần tăng lên, song nhờ có sự chuẩn bị hàng hoá dự trữ từ trong năm, nên các loại mặt hàng khô đều giữ giá bình ổn. Riêng một số mặt hàng tươi sống như cá, tôm, thịt, rau củ quả, trái cây... phục vụ cúng kiếng đầu năm có tăng nhẹ.
Hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống nhộn nhịp trở lại sau mấy ngày tết
Mới ra tết, nhiều cơ sở giết mổ gia súc chưa hoạt động bình thường trở lại nên nguồn thịt cung ứng cho thị trường không bằng ngày thường, giá bán theo đó cũng nhích lên vài "phân". Chị Duyên, kinh doanh hàng thịt tươi sống tại chợ Bến Ngự trò chuyện: "Mấy ngày cận tết, giá thịt lợn tăng 10-15 nghìn đồng/kg, thịt bò tăng 30-40 nghìn đồng/kg, các loại nem, chả, tré làm từ thịt cũng tăng giá so với trước đó. Mức giá này chỉ giảm nhẹ vài "phân" trong những ngày đầu năm mới này. Khả năng phải qua rằm (14/1 Âm lịch), giá thịt các loại mới bình ổn trở lại như ngày thường".
Trong khi đó, nhiều hộ nông dân để dành rau ra tết thu hoạch nên trong những ngày đầu năm mới, giá cả rau, củ, quả tươi sống của địa phương không có sự tăng giá đột biến, chỉ cao hơn khoảng 2.000 đối với một bó rau hoặc 1kg củ, quả so với ngày thường. Hơn nữa, trong những ngày qua, mặt hàng tươi sống được nhập từ các nơi khác về với số lượng tương đối lớn, tập trung ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) rồi tỏa đi các chợ dân sinh, nên đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý. Tại các kênh siêu thị lớn như Co.opMart Huế, Big C Huế, VinMart Huế... nhập lượng hàng hoá phong phú từ các đầu mối phía Nam, Đà Lạt, phía Bắc..., nên không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá, người dân thỏa sức chọn mua đủ các nông sản và đặc sản tươi sống từ các địa phương khác, kể cả rau củ quả, trái cây "lạ" nhập ngoại.
Ra tết, các siêu thị chủ động nhập nguồn hàng rau, củ, quả tươi sống phong phú với giá ổn định như ngày thường
Mở bán trở lại từ sáng mồng 4 Tết, trong 3 ngày này, siêu thị Co.opMart Huế đón lượng khách tăng từ 10-15% so với ngày thường. Mặt hàng người dân tập trung mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Anh Trần Duy Bảo, Tổ trưởng Marketing - Siêu thị Co.opMart Huế cho biết, thực hiện chương trình bình ổn giá trước, trong và sau tết, nên giá các mặt hàng tại siêu thị, nhất là mặt hàng tươi sống như: thịt lợn, bò, gà, rau quả... đều giữ giá như trong tết, thậm chí một số sản phẩm áp dụng giá khuyến mãi thấp hơn so với thị trường. Rau, củ, quả được nhập hàng tươi theo hệ thống và phân bổ với lượng hàng vừa đủ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trung bình trong 2 ngày mở bán đầu năm, siêu thị nhập về khoảng 3 tấn rau, củ, quả và khoảng trên 100kg thịt lợn, bò được nhập hàng ngày tại địa phương.
Hàng hóa phong phú, giá cả bình ổn, người tiêu dùng thỏa sức chọn mua
Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh thông tin, tình hình thị trường trong những ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tuy có sự biến động nhẹ về giá đối với các loại hàng hóa tươi sống, hoa quả phục vụ cúng kiếng, song nhìn chung đều đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Có được điều này là nhờ sự chủ động, chuẩn bị hàng hoá đáp ứng nhu cầu mua sắm trước, trong và sau tết của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hoài Thương