Thừa Thiên Huế được phân bổ 20 tỷ đồng
Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh thông tin, đến nay, ngân hàng đã có những bước khởi động cho chương trình tín dụng ưu đãi nói trên.
Chương trình tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng giúp người thu nhập thấp thực hiện hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp
Cụ thể, trong năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí vốn 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng thêm 500 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn lên 1.000 tỷ đồng. Riêng địa bàn Thừa Thiên Huế được phân bổ kế hoạch vốn năm 2018 của chương trình này là 20 tỷ đồng.
Triển khai chương trình, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, nắm bắt nhu cầu, đối tượng vay vốn cũng như xác định các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh, phân bổ nguồn vốn cho các huyện, thị xã và thành phố Huế. Đồng thời, chỉ đạo NHCSXH cấp huyện tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn cho các phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp giao ban tại điểm giao dịch xã, huyện và niêm yết công khai tại 152 trụ sở UBND xã trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương và hội đoàn thể cấp xã tiếp cận hồ sơ để bình xét, thẩm định cho vay với hơn 40 hồ sơ có nhu cầu vay 13,2 tỷ đồng.
Tổ chức công khai
Chi nhánh NHCSXH tỉnh thông tin, trên cơ sở biểu mẫu của Bộ Xây dựng ban hành để xác định đối tượng, điều kiện cho vay. Hồ sơ xác định đủ tiêu chuẩn vay hay không là do tổ chức hội đoàn thể, chính quyền xã, phường bình xét.
Nếu đủ điều kiện nhưng trường hợp nhu cầu vay vốn lớn hơn chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao thì tổ chức chấm điểm theo bảng tiêu chuẩn để xét ưu tiên. Căn cứ vào số điểm đã chấm để xác định số người được vay vốn theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp.
Trường hợp tại mức chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao mà có nhiều người bằng điểm nhau thì tổ chức bốc thăm. Việc công khai điểm và bốc thăm do ban giảm nghèo thực hiện dưới sự chủ trì của chủ tịch UBND cấp xã.
Phải thực hiện quy định gửi tiết kiệm
Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tháng 10/2015 của Chính phủ về vốn vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội có quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH với thời gian tối thiểu 12 tháng, và mức gửi theo quy định của bên cho vay.
The ông Văn Đức Thọ, sau khi hoàn tất thủ tục bình xét, thẩm định cho vay, NHCSXH và khách hàng tiến hành ký hợp đồng tín dụng thì người vay chính thức phải thực hiện việc gửi tiền tiết kiệm, số tiền gửi hàng tháng tối thiểu bằng số tiền trả nợ hàng tháng mà khách hàng đã thỏa thuận và cam kết với ngân hàng; thời gian gửi tối thiểu 12 tháng. NHCSXH nơi cho vay mở tài khoản tiền gửi cho người vay vốn để thực phục vụ cho việc gửi tiền tiết kiệm và trả lãi theo quy định.
Ông Văn Đức Thọ nhấn mạnh, thực chất khoản tiền gửi tiết kiệm này là trích từ thu nhập của người vay hàng tháng theo thỏa thuận với ngân hàng, đến khi kết thúc thời gian ân hạn đến kỳ hạn trả nợ đầu tiên, ngân hàng sẽ trích tài khoản tiền gửi để thu nợ. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên được NHCSXH thiết kế mức lãi suất bằng lãi suất cho vay trong năm đó theo quy định của Chính phủ (hiện nay là 4,8%), tiền gửi tiết kiệm được trả lãi hàng tháng. NHCSXH, nơi cho vay sẽ tự động thực hiện tất toán và đóng tài khoản tiền gửi khi người vay trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Đối tượng vay là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng còn lại để được vay vốn phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH