ClockThứ Tư, 20/12/2023 06:43

Lãi suất huy động chạm đáy: Người dân loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư mới

TTH - Chưa năm nào lãi suất huy động của các ngân hàng lại được điều chỉnh lui về mốc 2,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 5%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm như hiện nay.

Lãi suất huy động giảm sâu, lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng

 Các ngân hàng đều điều chỉnh giảm lãi suất huy động

Lãi suất thấp hơn thời điểm dịch COVID-19

Trái ngược với thị trường vàng đang có những biến động tăng, giảm liên tục trong thời gian gần đây, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn lại có chiều hướng đi xuống. Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất về mức chạm đáy, thấp nhất từ trước đến nay.

Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất lớn nhất trên thị trường. Cụ thể, trong tháng 11, ngân hàng này đã thực hiện 3 phiên điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Sau các phiên điều chỉnh, lãi suất gửi kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank đang duy trì ở mức 2,4%, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7%/năm mức thấp nhất hệ thống.

Và trong tháng 12, Vietcombank tiếp tục giảm 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng xuống mức 2,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 2,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng được giữ nguyên ở mức 4,8%/năm, đây là mức lãi cao nhất hiện nay tại Vietcombank.

Trong khi đó, đầu năm 2023, Vietcombank công bố tiền gửi tại kỳ hạn 1 - 2 tháng là 4,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 5,4%/năm. Khách hàng tham gia gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng được hưởng lãi suất không đổi là 6%/năm và 7,4%/năm là lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy so với đầu năm, các khoản lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn thời điểm này đều giảm hơn một nửa so với thời điểm đầu năm, giảm nhiều nhất ở phân khúc tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng.

Giảm lãi suất huy động cũng là xu hướng chung của hầu hết các ngân hàng. Trên thị trường, các ngân hàng thương mại nhà nước đang có mức lãi suất huy động thấp nhất. Hiện, BIDV, VietinBank, Agribank chỉ áp dụng mức lãi suất 5%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Cụ thể trong tháng 12 này, BIDV đã tiến hành giảm 0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-2 tháng so với tháng trước và duy trì lãi suất ở mức 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,1%/năm và 4,1%/năm là lãi suất ở kỳ hạn 6-11 tháng. VietinBank cũng niêm yết tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng là 2,6%/năm và 5%/năm là lãi suất kỳ hạn 12 tháng. Với Agribank trong tháng 12 này, lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn từ 1-12 tháng đều được đưa về dưới mức 5%/năm và 5%/năm là con số cao nhất cho kỳ hạn 12 - 18 tháng.

Cá biệt một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 5%.

Lãi suất thực dương

Trái với lo ngại khi lãi suất chạm đáy, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản; thì số liệu huy động vốn dự kiến đến cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh lại cho thấy dấu hiệu tăng trưởng bất chấp lãi suất đang giảm đáng kể. Cụ thể, ước tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến cuối năm sẽ đạt 69.000 tỷ đồng, tăng 14,08% so với cuối năm trước. Trong khi đến cuối tháng 11, số liệu Cục Thống kê tỉnh công bố tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68 ngàn tỷ đồng, tăng 12,59% so với đầu năm và 10,8% là con số tăng trưởng đến cuối tháng 10. Như vậy, tốc độ tăng trưởng huy động qua các tháng cuối năm không có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, kênh tiết kiệm vẫn đang chiếm ưu thế nhất định trong các quyết định đầu tư của người dân trong thời điểm hiện nay. Đây là nguồn lực không nhỏ để ngân hàng tập trung vốn cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm nhu cầu vốn cuối năm tăng cao.

Đánh giá ở tầm vĩ mô, lãi suất hiện vẫn đang thực dương, tức mức lãi suất tiết kiệm hiện vẫn cao hơn lạm phát nên người gửi tiền vẫn có lợi, tuy nhiên không đáng kể. Cụ thể, bình quân CPI 11 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%, trong khi lãi tiền gửi trong 1 năm được các ngân hàng thương mại nhà nước công bố là 5%.

Tuy nhiên, nếu lãi suất tiếp tục giảm và không còn đảm bảo thực dương, lúc đó, câu chuyện người dân chọn các hướng đầu tư khác sẽ hiện hữu hơn. Điều này đồng nghĩa lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng sẽ giảm, gây áp lực không nhỏ cho hoạt động tín dụng.

Đó cũng là suy nghĩ của chị Tú Quỳnh, thành phố Huế. Khi hiện nay, chị đang có dự định sẽ rút sổ tiết kiệm để đầu tư cho một thị trường khác có mức tăng trưởng cao hơn.

 Chị Tú Quỳnh cho biết, nhìn lãi suất thấp mình cũng “sốt ruột” không biết nên tiếp tục gửi hay rút tiền ra để đầu tư vào vàng hay bất động sản. Vì trong dài hạn, mức tăng trưởng trong đầu tư vào vàng, bất động sản sẽ ổn hơn so với mức lãi suất hiện nay.

Thực tế, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như hiện nay.

Các chuyên gia cũng nhận định, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng. Do vậy, người dân cần thận trọng trong đầu tư thời điểm này, nhất là đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng
“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”

Ngày 7/12, Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) tỉnh tổ chức phát động chương trình “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng” gây quỹ nhân đạo. Chiến dịch được được Trung ương HCTĐ Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 23/11/2024 đến 28/4/2025.

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”
Huy động nguồn xã hội hóa vì cộng đồng

Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, để có thể đồng hành, hỗ trợ những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống còn cần sự trợ giúp của toàn xã hội.

Huy động nguồn xã hội hóa vì cộng đồng

TIN MỚI

Return to top