ClockThứ Năm, 16/03/2017 09:29

Lệnh cấm nhập khẩu tôm của Australia gây thiệt hại cho Việt Nam

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Australia cần tìm các biện pháp ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn là tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu tôm.

Do phát hiện virus đốm trắng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Bang Quuensland, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam kể từ ngày 9/1/2017. Lệnh cấm có hiệu lực trong thời gian 6 tháng.

Trong bối cảnh lệnh cấm được Chính phủ Australia thực thi bất ngờ mà không có thông báo trước, điều này đã có ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, trong đó có mặt hàng tôm.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Australia còn đối mặt với nguy cơ phá sản. (Ảnh minh họa: KT)

Doanh nghiệp thủy sản thiệt hại hàng triệu USD

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho biết đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Đặc biệt, có doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó, sản phẩm tôm đang trên đường vận chuyển hàng tới Australia đã bị trả về, dẫn đến thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD.

“Mỗi tháng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Australia khoảng 100-150 tấn hàng hóa, việc Australia cấm nhập khẩu tôm cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị.

Cho rằng lệnh cấm nhập khẩu tôm của Australia đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, ngay sau khi Australia ban hành lệnh cấm, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu phía Australia xem xét lại lệnh cấm này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh, lệnh cấm nhập khẩu tôm của Australia đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia có giá trị vào khoảng 55 triệu AUD.

“Lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm mà không có thời gian cảnh báo đủ để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam biết để có các giải pháp nhằm tránh tổn thất lớn về kinh tế là việc làm chưa thực sự phù hợp với thông lệ chung, với tinh thần gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Australia đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Australia còn đối mặt với nguy cơ phá sản.

Duy trì lệnh cấn cần có bằng chứng khoa học

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Australia vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra dịch bệnh đốm trắng, trong khi những người nuôi tôm nước này thì đổ lỗi cho tôm nhập khẩu từ các nước châu Á.

Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản của Australia cũng lên tiếng rằng, lệnh cấm này đã gây ra ảnh hưởng xấu đến uy tín thương mại quốc tế của Australia. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này vẫn bảo lưu quan điểm rằng họ cần bảo vệ ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.

Trước những diễn biến này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tôm Việt Nam cần được tiếp tục xuất khẩu sang Australia, trừ khi có bằng chứng về việc nhập khẩu từ nước ngoài là nguồn lây bệnh. Bởi lẽ trên thực tế, hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào.

“Trong trường hợp Australia tiếp tục duy trì lệnh cấm, Việt Nam đề nghị Australia sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy, có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Australia. Một số doanh nghiệp Việt Nam còn cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu của Chính phủ Australia đã vượt quá mức cần thiết quy định của WTO. Chúng tôi đang nghiên cứu quan điểm này của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khánh, Việt Nam luôn tôn trọng các quyết định bảo đảm an ninh và an toàn sinh học của Australia, nhưng vẫn đề nghị Chính phủ Australia xem xét lại sự cần thiết của lệnh cấm này. Việc xem xét lại lệnh cấm không đồng nghĩa với việc Việt Nam bỏ qua sự an toàn của ngành nuôi tôm tại Australia, nhưng quan trọng là cần tìm các biện pháp khác, ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn và vẫn bảo đảm an toàn cho ngành nuôi tôm của Australia cũng như môi trường nước của Australia.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

TIN MỚI

Return to top