ClockThứ Hai, 13/11/2017 05:46

“Ma trận” thực phẩm an toàn - Kì I: “Tự phong”... an toàn

TTH - Trong khi niềm tin của người dân đối với thực phẩm giảm sút do thực phẩm bẩn ngày càng nhiều thì những cửa hàng thực phẩm được gắn mác “an toàn” là cứu cánh cho một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, ít người biết rằng, thực chất của những chuỗi cửa hàng đó, với hàng trăm sản phẩm (SP) được bày bán có rất ít SP được cấp giấy chứng nhận an toàn (CNAT).

Hiện, trên địa bàn TP. Huế có hơn 10 cửa hàng trưng bày và bán các thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như rau, củ quả, thịt, trứng… được gắn mác an toàn, dù rất nhiều trong số đó chưa được cơ quan chức năng chứng nhận.

Cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của Công ty Quế Lâm bán khá nhiều loại rau, củ do công ty trồng hoặc nhập từ nơi khác​

Mới có 4 sản phẩm có chứng nhận

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (CCQLCLNLS&TS) thuộc Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 sản phẩm (SP) được công nhận đạt tiêu chí an toàn và cả 4 SP này đều do Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm (gọi tắt là CT Quế Lâm) tổ chức nuôi, trồng và bán ra thị trường, gồm 3 SP gạo và 1 SP thịt. Theo đó, các SP đều được cấp giấy CNAT theo quy định và giấy chứng nhận này được khuyến khích treo ở quầy giới thiệu và bán SP ở 11 Phan Đình Phùng, TP. Huế (trụ sở làm việc và kinh doanh các mặt hàng nông sản của công ty) để người dân yên tâm khi chọn mua SP.

Dù CT Quế Lâm đang sản xuất, nuôi trồng hàng chục SP nông sản khác, song mới chỉ có 4 SP được CNAT, những SP khác như bưởi, bơ,…vẫn chưa được chứng nhận, đó là chưa kể hàng chục loại thực phẩm tiêu dùng khác được nhập và bày bán tại đây, dù có nguồn gốc xuất xứ, song chưa hẳn có được CNAT.

Ngay cả 4 SP được CNAT nêu trên, khi CT Quế  Lâm gửi mẫu yêu cầu cấp chứng nhận SP hữu cơ, như gạo hữu cơ Quế Lâm, thịt heo hữu cơ Quế Lâm, phía cơ quan chức năng cũng từ chối chứng nhận từ hữu cơ, bởi theo tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn trồng, nuôi hữu cơ, do đó, chỉ cấp CNAT cho 3 SP gạo và 1 SP thịt.

Trở lại với các cửa hàng thực phẩm tự phong, tự gắn mác an toàn trên địa bàn, nếu xét theo kết quả chứng nhận các SP an toàn của CCQLCLNLS&TS, ngoài 4 SP được công nhận an toàn của CT Quế Lâm, còn lại tất cả đều không có SP nào đạt chuẩn an toàn như người bán công bố.

Cũng theo CCQLCLNLS&TS, gần đây, cửa hàng Huế Việt ở đường Trường Chinh (TP.Huế) đăng ký 2 SP gạo và 1 SP thịt heo do cơ sở này tổ chức nuôi và cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, do khâu trung gian chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định nên CCQLCLNLS&TS chưa cấp chứng nhận cho sản phẩm này và cơ quan chức năng đang hướng dẫn chủ cơ cở thực hiện đúng quy trình, thủ tục để được cấp giấy CNAT.

 Trải nghiệm tour: “Chúng em làm nông dân” tại trang trại của Công ty Quế Lâm

Mua bằng niềm tin

Dù chỉ mới có 4 SP được CNAT, song hàng ngày vẫn có hàng trăm SP nông lâm thủy sản (NLTS), mỗi SP từ vài kg đến vài chục kg được tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản tự gắn mác an toàn.

Đơn cử như tại cửa hàng đặc sản Đ., dù chưa tới 10 giờ sáng, song hầu như các loại thực phẩm tươi sống trong ngày đều hết sạch, dù cửa hàng mỗi ngày đều đặn mổ một con lợn vài chục kg, vài chục trứng gà ta, gà nguyên con làm sạch và các loại rau củ như măng, mồng tơi, rau rớn… mỗi loại từ vài kg đến vài chục kg.

Tại cửa hàng H., lịch mổ lợn không đều đặn hàng ngày và cứ cách mỗi ngày mổ một con, song, lượng khách hàng oder (đặt trước) gần như đủ số lượng, nhất là những phần thịt ngon đều đã được khách dặn trước, người đến cửa hàng nếu sớm mới có thể chọn mua được thực phẩm ưng ý, người đi trễ gần như về tay không hoặc nếu có cũng chưa thật sự hài lòng. Đó là chưa kể, hầu như mặt hàng nào giá cũng cao hơn giá thị trường từ 20-50%, ví dụ trứng gà ta có giá từ 45-50 ngàn đồng/chục, trong khi giá thị trường từ 35-40.000 đồng/chục, thịt lợn bình quân khoảng 110 ngàn đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, rau các loại cao hơn khoảng 3-5.000 đồng/kg.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLS&TS cho rằng, bằng mắt thường khó có thể phân biệt được đâu là rau, thực phẩm an toàn với rau, thịt không an toàn. Vì lẽ đó, đơn vị mới vận động các cửa hàng, cơ sở sản xuất, nuôi trồng NLTS đăng ký CNAT cho SP và công bố các chứng nhận đó với khách hàng để khách hàng yên tâm khi chọn mua SP. Tuy nhiên, đến nay việc này chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức.

Theo ông Khoa, người tiêu dùng nên kiểm tra xuất xứ hàng hoá  trước khi mua, nếu là SP an toàn chắc chắc sẽ có nguồn gốc, nhãn mác và ngược lại. Tuy nhiên theo khảo sát của PV, gần như khách hàng không có yêu cầu này và đa số đều mua hàng theo niềm tin và nhãn quan, trực giác.

Theo quy định, một SP NLTS được CNAT phải đảm bảo cả quá trình từ nuôi, trồng đến khâu trung gian giết mổ, vận chuyển, trưng bày, tiêu thụ, nghĩa là cả 3 khâu phải được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu một trong 3 khâu không đảm bảo, thì SP sẽ không được CNAT. Bên cạnh đó, SP được CNAT phải là SP không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không biến đổi gen và được kiểm tra chất lượng SP bằng kiểm nghiệm định tính và định lượng, nghĩa là không có những chất cấm, chất tồn dư, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt…

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Đảm bảo an toàn cho các khu vực xung yếu

Vấn đề sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các địa bàn thuộc TX. Hương Trà thời gian qua gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền sở tại đã tranh thủ nguồn lực đầu tư các hạng mục đảm bảo an toàn cho các khu vực xung yếu.

Đảm bảo an toàn cho các khu vực xung yếu

TIN MỚI

Return to top