ClockThứ Sáu, 11/06/2021 07:00

Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn trong mùa nắng nóng

TTH - Thời tiết nắng nóng kéo dài nên sản lượng điện trong tháng 4, 5/2021 tăng cao, từ 6-6,1 triệu kWh/ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6/2021. Để tránh sự đột biến về hóa đơn tiền điện, ngành điện khuyến nghị khách hàng theo dõi sản lượng điện của mình hàng ngày, đồng thời sử dụng có kiểm soát đối với các thiết bị có công suất lớn.

Tiết kiệm điện hưởng ứng Giờ trái đất

Để đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định trong mùa nắng nóng, ngành điện tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống điện trên địa bàn tỉnh

Mức tiêu thụ điện tăng 15%

Theo thống kê của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế), do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, người dân sử dụng điện tại nhà nhiều hơn để phòng chống dịch COVID- 19 nên tháng 5/2021, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh đạt 164 triệu kWh, tăng 10% so với tháng 4 và tăng 15% so cùng kỳ. Đây là tháng có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất từ đầu năm 2021, trong đó, phụ tải sản xuất công nghiệp tăng 10% so tháng trước và tăng 21% so cùng kỳ; phụ tải sinh hoạt tiêu dùng tăng 13% so tháng trước và tăng 9,6% so cùng kỳ.

Trong đó, hơn 49.700 khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có sản lượng điện tăng trên 30% so tháng trước, chiếm 17,7% tổng số khách hàng sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh, bình quân điện tiêu thụ của một hộ gia đình khoảng 190 kWh, tăng hơn 13% so tháng trước, tương đương tăng 23kWh.

Theo ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế, công suất cực đại hệ thống điện toàn tỉnh đạt khoảng 296,7MW, tăng hơn công suất đỉnh năm 2020 là 2,2% (290,2MW). Trong đó, các khu vực duy trì phụ tải tăng cao như: Khu công nghiệp Phú Bài, trung tâm TP. Huế, các khu dân cư Phú Thượng, Phú Mỹ (Phú Vang), Thủy Vân (TX. Hương Thủy), một số phường, xã thuộc TX. Hương Trà… Theo đó, sản lượng điện ghi nhận bình quân ngày toàn tỉnh trong tháng 4,5/2021 tăng cao, từ 6-6,1 triệu kWh/ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6/2021. Trong đó, thành phần phụ tải sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 5 so tháng 4 duy trì mức tăng cao. Cụ thể, năm 2018 tăng 15%, năm 2019 tăng 14%, năm 2020 tăng 8% và năm 2021 tăng 13%.

Tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm với khách hàng (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Từ cuối tháng 4/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn xuất hiện các trường hợp dương tính COVID- 19 nên UBND tỉnh thực hiện giãn cách một số khu vực thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch bệnh; các địa điểm kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, địa điểm vui chơi giải trí tạm ngưng hoạt động… Đồng thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết đã làm cho nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

Qua thống kê, điều hòa nhiệt độ chiếm 30% mức tiêu thụ điện năng trong gia đình, càng sử dụng điều hòa với thời gian liên tục trong ngày càng khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng vọt, lên tới các mức giá cao trong thang bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sử dụng cùng lúc thiết bị điện có công suất lớn vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 15h00) và tối (từ 20h00 đến 23h00), trong cùng khu vực, trạm điện khiến cho áp lực cung cấp điện tăng cao đột ngột, nguy cơ đầy tải, quá tải cục bộ gây mất điện, xảy ra sự cố, cháy nổ về điện, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Theo ông Nguyễn Đại Phúc, để đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, ngoài việc tăng cường ứng trực xử lý sự cố, kiểm tra, giám sát phụ tải, bảo dưỡng đường dây lưới điện, PC Thừa Thiên Huế thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến khách hàng nhằm quảng bá, hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, an toàn điện. Trong đó, mong muốn khách hàng có thói quen sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm nhằm vừa đáp ứng nhu cầu điện trong mùa nắng nóng, vừa hạn chế tối đa hóa đơn tiền điện tăng cao, đột biến, tối ưu sinh hoạt phí gia đình.

Ông Phúc cho rằng, khách hàng nên sử dụng điện theo phương châm 4 đúng: “đúng lúc - đúng chỗ - đúng cách và đúng nhu cầu”. Khi không sử dụng nên tắt nguồn tất cả các thiết bị điện. Không sử dụng cùng lúc thiết bị điện có hiệu suất cao trong giờ cao điểm của hệ thống điện; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ các thiết bị điện.

Đối với điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm mát có kiểm soát, nên đặt nhiệt độ không thấp hơn 26 độ C, kèm quạt gió để lưu thông không khí. Bên cạnh đó, nên tham khảo, ước tính điện năng sử dụng trên website http://uoctinhdiennang.evn.com.vn, tra cứu sản lượng điện sử dụng trên website chăm sóc khách hàng để có giải pháp tiết kiệm phù hợp, theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần trên ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động thông minh để biết sản lượng điện đã tiêu thụ trong chu kỳ hóa đơn, kịp thời điều chỉnh nhu cầu sử dụng khi sản lượng tăng cao hơn trước.

Nếu người dân có lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, cần tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ để sử dụng, linh hoạt thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu chi phí đầu tư ban đầu, giảm tiền điện phải trả ở các mức giá cao, góp phần ổn định cung cấp điện khu vực.

Bài, ảnh: Khánh Thư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top