|
Giao dịch tại Techcombank Huế |
Thừa tiền, ứ thanh khoản
Năm 2023 đã khép lại với những sóng gió thăng trầm trên thị trường tiền tệ. Biến động lớn đầu tiên có lẽ phải nhắc tới đến từ lãi suất. Không dưới 4 lần, NHNN điều hành các ngân hàng thương mại (NHTM) mạnh tay hạ lãi suất để kích cầu tăng trưởng nền kinh tế.
Từ đầu năm, cuộc đua marathon của các NHTM đẩy lãi suất lên 13%/năm. Đến cuối năm, ít ai có thể ngờ lãi suất rơi vào “chạm đáy” khi huy động VNĐ chỉ còn mức từ 3-5%/năm, và cho vay được các NHTM cấp tập giải ngân với mức phổ biến từ 7-8%/tháng đối với 2 năm đầu. Thậm chí tháng cuối cùng của năm 2023, để thúc tăng trưởng tín dụng, có NHTM còn hạ xuống mức 6,5% cho kỳ hạn 2 năm ổn định với khách hàng ưu tiên.
“Quả thật đau đầu khi ngân hàng phải mua đuổi, bán đuổi vốn thế này. Hôm nay, chúng tôi vừa huy động mức cao, mai buộc phải hạ lãi suất vay, trong khi nguồn vốn vẫn còn dồi dào. Điều này khiến những người làm ngân hàng phải cân đong đo đếm từng không phẩy phần trăm chênh lệch”, Giám đốc HDbank Huế - Nguyễn Việt Anh chia sẻ. Cơn hạ lãi suất sốc này, ngoài tác động từ yếu tố điều hành, về bản chất còn đến từ sức khỏe của nền kinh tế; không hấp thụ được vốn.
Trái với những năm trước đây, khi các NHTM phải chầu chực xin NHNN cấp quota room tín dụng, năm qua, tín dụng rơi vào ế ẩm chợ chiều. Trước sức cầu nền kinh tế yếu, đơn hàng bị cắt giảm, nhiều khoản vay của doanh nghiệp đến kỳ phải trả nợ, doanh nghiệp vừa mất khả năng thanh toán lại không có cơ hội tiếp cận vốn mới. Dòng tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh nhỏ giọt; đẩy ngân hàng rơi vào tình cảnh thừa tiền, ứ thanh khoản.
2023 cũng là năm biến động của cặp tỷ giá USD/VNĐ, dù biên độ không lớn (VNĐ mất giá khoảng 3%) và những tác động chính tới tỷ giá nằm trong biến động giữa lãi suất và rủi ro, lạm phát và tăng trưởng. Theo Ngân hàng HSBC, kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát hạ nhiệt nhanh và giảm bớt lo ngại về thanh khoản khiến ưu tiên chính sách tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng. Điều này trái ngược với các nước; đặc biệt là Mỹ, nơi thị trường việc làm không hạ nhiệt và lạm phát cơ bản neo cao, khiến FED duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ trong phần lớn thời gian của năm qua. Chính sự khác biệt ngày càng gia tăng về chính sách tiền tệ cùng với bối cảnh thanh khoản tiền đồng dồi dào đã đẩy cặp tỷ giá USD/VNĐ tăng theo.
Khó khăn đã ở phía sau
Bước sang những tháng cuối năm, khi lạm phát tiếp tục giảm và tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức yếu, thị trường bắt đầu nhìn nhận nhiều hơn về việc cắt giảm lãi suất điều hành vào năm 2024, cùng với việc FED "xoay trục" vào tháng 12/2023 khiến USD có xu hướng yếu hơn. Điều này góp phần khiến tỷ giá hạ nhiệt về khoảng 24.250-24.350 đồng/USD.
Dự báo, tỷ giá USD/VNĐ sẽ duy trì áp lực tăng trong nửa đầu năm 2024 vì 4 lý do chính: Sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa FED và NHNN Việt Nam vẫn lớn; thanh khoản VNĐ tiếp tục dồi dào, đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng và giải ngân đầu tư công chưa bứt phá; trong khi thặng dư thương mại và FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, những biến động trên thị trường quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực tới thương mại; USD dự báo sẽ mạnh lên trong nửa đầu năm mới, từ đó tác động trực tiếp biến động của tỷ giá USD/VNĐ.
Năm 2024, ngoài việc khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, xử lý việc có còn hay không quota room tăng trưởng, những vấn đề nóng buộc phải đối mặt. Đó là thời gian kết thúc Thông tư 02 vào ngày 30/6/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) về giãn nợ, xử lý nợ xấu ngân hàng từ những khoản vay của doanh nghiệp nay đã không còn khả năng trả nợ.
Theo NHNN Thừa Thiên Huế, các NHTM trên địa bàn đã thực hiện xử lý khoảng gần 500 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, thu từ kênh khách hàng trả nợ hơn 200 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 45% nợ xấu được xử lý; sử dụng nguồn dự phòng rủi ro hơn 230 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 50% nợ xấu được xử lý, còn lại là các kênh khác. Hiện nợ xấu tại các NHTM khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm gần 2,2%. Nợ xấu đã bán qua VAMC chưa thu được hơn 340 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ đã bán qua VAMC, chiếm tỷ lệ khoảng 2,6%.
Tuy nhiên, nói như một vị lãnh đạo ngân hàng mà tôi có dịp trao đổi cuối năm, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét. Những NHTM đã gia tăng trích lập trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp sẽ có nhiều dư địa xử lý hơn, từ đó có được lợi thế tăng trưởng. Dù kết quả kinh doanh dự báo kém khả quan trong năm 2023 là “điểm tối”, nhưng lại tạo ra một so sánh thấp cho tăng trưởng năm 2024 và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan; cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Với triển vọng toàn cầu ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, NHNN sẽ giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành trong năm mới, thị trường tiền tệ bước sang năm 2024, dường như những khó khăn nhất đã ở phía sau…