ClockThứ Tư, 12/02/2020 06:15

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

TTH - Theo dự báo, nhu cầu về nhà ở xã hội trong những năm tới sẽ tăng, nhưng việc phát triển các dự án (DA) này vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Khu vực lõi dự án nhà ở xã hội Vicoland được quy hoạch nhà xe từ năm 2014

Các dự án nhà ở xã hội hầu hết đã hoàn thành, đưa vào sử dụng

Nhu cầu nhiều

Rất ít, thậm chí không có DA nhà ở xã hội mới triển khai đầu tư xây dựng trong khi nhu cầu mua nhà ở xã hội hiện nay khá lớn. Điều này gây nhiều khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn vì khó tiếp cận với các DA nhà ở, đất ở hợp túi tiền.

Chị Trịnh Thị Thu cùng chồng đều từ quê lên thành phố lập nghiệp, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Sau khi sinh con đầu lòng, sống ở phòng trọ khá bất tiện nên hai vợ chồng muốn vay mượn tiền đầu tư mua mảnh đất, xây nhà để sinh sống. Sau khi tìm hiểu nhiều vị trí đất khác nhau nhưng giá quá cao, vợ chồng chị quyết định chuyển sang chọn mua một căn nhà ở xã hội để định cư. Thế nhưng, việc tìm kiếm nhà ở xã hội cũng không dễ.

“Từ trước tết hai vợ chồng đã tìm đến các DA nhà ở xã hội trên địa bàn nhưng đều nhận được câu trả lời hết căn hộ nhà ở xã hội. Nếu cần mua có thể mua lại các căn hộ thương mại với giá khá cao hoặc mua trao tay các căn hộ đã bàn giao với giá cao từ 30 đến 50% thậm chí 80% giá ban đầu nên đành bỏ cuộc”, chị Thu chia sẻ.

Giá đất hiện nay ở một số vị trí khá cao nên những người có thu nhập bình thường, thấp khó tiếp cận được. Trong khi đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội chủ yếu thuộc thành phần cán bộ, công chức, viên chức; người dân từ các tỉnh thành khác đến định cư với mức thu nhập thấp đến trung bình. Vì thế, các DA nhà ở xã hội với giá bán từ 500-600 triệu đồng/căn sau khi hoàn thiện trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm.

Số liệu cho thấy, nhu cầu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2018-2020 toàn tỉnh cần khoảng 675.975m2 sàn. Trong đó, đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 215.897m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 221.400m2 sàn; cán bộ, công chức, viên chức 15.000m2 sàn... Riêng năm 2020, nhu cầu dự kiến nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 94.931m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 15.000m2 sàn... Thế nhưng năm 2019 không phát triển được m2 sàn nào cho những đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị; người lao động tại các khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức…

Nguồn cung thiếu

Ngoài 3 DA nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng gồm: chung cư thu nhập thấp của Công ty CP Kinh doanh nhà, chung cư Xuân Phú, chung cư Vicoland, trên địa bàn có 1 DA đang triển khai giai đoạn 2 là chung cư Aranya, 4 DA đang kêu gọi đầu tư gồm: chung cư TNT Bàu Vá, phường Đúc, thành phố Huế; Nhà ở xã hội tại các khu đất XH1, Khu C, Khu Đô thị mới An Vân Dương; khu đất XH1, Khu E, Khu Đô thị mới An Vân Dương; khu đất XH1, Khu B, Khu Đô thị mới An Vân Dương.

Theo chủ đầu tư DA Nhà ở xã hội Aranya, đơn vị đang triển khai giai đoạn 2 DA. Kết quả thăm dò khách hàng cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội hiện rất lớn. Sau khi thăm dò đặt chỗ 45 căn hộ thì có đến hơn 200 khách hàng tìm đến đặt chỗ. Chủ đầu tư phải tiến hành bốc thăm cho các khách hàng có nhu cầu.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Aranya Việt Nam, Chủ đầu tư DA Aranya thông tin, so với giai đoạn 1 khi mở bán, kết quả thăm dò nhu cầu trong giai đoạn 2 khá khả quan. Hiện DA đang hoàn thiện phần móng và các thủ tục liên quan để tiến hành mở bán chính thức. Thời gian này, rất nhiều khách hàng tìm đến DA tìm hiểu muốn đặt chỗ tại DA tuy nhiên số lượng căn hộ giai đoạn vẫn khá khiêm tốn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu người dân.

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, người Huế, nhất là các bạn trẻ và các gia đình từ các địa phương khác tới lập nghiệp đang dần cởi mở hơn với các DA nhà ở xã hội. Nhu cầu cao tuy nhiên số lượng DA triển khai trong thời gian tới rất ít, thậm chí không có nên nguồn cung rất thiếu.

Để tăng sức hút của DA nhà ở xã hội, cần rút gọn thủ tục đầu tư DA nhằm thu hút đầu tư. Các DA nhà ở xã hội nên được ưu tiên chỉ định nhà đầu tư, bởi quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện DA có sử dụng đất không thu hút được nhà đầu tư. 

Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, có rất nhiều yếu tố ràng buộc khi đầu tư nhà ở xã hội, như chủ đầu tư các DA nhà ở xã hội phải dành 20% căn hộ để cho thuê, 60% căn hộ bán theo giá do Nhà nước thẩm định, chủ đầu tư chỉ kinh doanh 20% căn hộ và lợi nhuận định mức của DA tối đa là 10%. Trong khi, xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ các khoản để đảm bảo chi phí thấp, giá thành sản phẩm hợp lý. Chưa nói, chính sách giảm tín dụng bất động sản của các ngân hàng đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản...

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026:
Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn điều hành kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Kỳ họp diễn ra từ 10-11/12.

Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

TIN MỚI

Return to top