Nguyễn Văn Nghị, thôn Cổ Xuân, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền
Mọi năm, ra tết, anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Cổ Xuân, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền không thiếu vốn để quay vòng, tái đầu tư con giống phát triển chăn nuôi do thời điểm này giá vật nuôi đều tăng. Năm nay, 1.000 con gà, vịt của gia đình anh đến thời gian xuất chuồng nhưng không có thương lái đến mua. Các đơn vị cung ứng con giống không chịu cho nợ như mọi khi.
Anh Nghị nhẩm tính: Thời điểm này năm ngoái, giá gà thịt khoảng 64 ngàn đồng/kg nhưng hiện chỉ còn khoảng 40 ngàn đồng/kg, nhưng không có người đến mua. Thiệt hại kinh tế do giá gà, vịt giảm đã đành, giờ phải bù thêm chi phí tiền thức ăn nên kinh tế gia đình càng khó khăn.
“Tôi có vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất, nhưng giờ chỉ có tiền ra không có tiền vào nên rất khó. Rất may, Ngân hàng CSXH huyện có thông tin, chúng tôi được gia hạn nợ trong tháng này. Cán bộ tín dụng đến tận nhà khảo sát, nắm tình hình và hướng dẫn gia đình tôi làm thủ tục gia hạn nợ cũng như hướng dẫn vay bổ sung để tái đầu tư nếu có nhu cầu nên tôi cũng yên tâm", anh Nghị kể.
“Bình thường mỗi ngày tôi vẫn kiếm được hơn 200 ngàn đồng từ tiền bán cơm nên các khoản chi tiêu, trả nợ ngân hàng không đáng ngại. Tuy nhiên từ khi ra tết, buôn bán khó khăn, giờ thì phải nghỉ bán vì dịch COVID-19. Liên hệ với ngân hàng, các anh chị cho hay sẽ xem xét cho gia hạn nợ và được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hướng dẫn viết đơn xin vay bổ sung phát triển sản xuất… ”. Chị Trần Thị Kim Huệ, tổ dân phố Trạch Thượng 1, thị trấn Phong Điền bộc bạch.
Không riêng gì anh Nghị hay chị Huệ, các hộ vay vốn khác cũng được Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền đã và đang xem xét cho gia hạn nợ trong tháng 4.
Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền cho hay: Cán bộ làm công tác tín dụng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tổ TK&VV nắm bắt diễn biến của dịch tại từng địa bàn, nắm những khó khăn của từng hộ vay và có những đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể của từng khách hàng; từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể.
Theo ông Văn Đức Thọ, khách hàng gặp khó khăn chưa trả được nợ gốc đến hạn phân kỳ hoặc đến hạn kỳ cuối, ngân hàng sẽ xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh (SXKD) nếu có nhu cầu.
Đối với khách hàng vay vốn khó khăn thiệt hại có đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Nhờ được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trong thời điểm SXKD khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách… trên địa bàn tỉnh có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với những biến động của thị trường.
Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, từ các phòng giao dịch đến từng cán bộ tín dụng đều theo sát tình hình khó khăn của từng khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn. Từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục SXKD, hướng dẫn các khách hàng lập hồ sơ, thủ tục nếu bị rủi ro do dịch theo đúng quy định.
Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 323 tỷ đồng; có 8.729 lượt hộ được vay vốn với tổng dư nợ 2.822 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hoàng Anh