ClockThứ Bảy, 15/05/2021 13:45

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnh

TTH - 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may sau 1 năm liên tục sụt giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý 1/2021

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may góp phần giúp các DN ổn định đầu vào, phát triển nguồn cung

Đơn hàng tăng gấp đôi

Khác với thời điểm đầu tháng 5/2020 khi nhiều DN dệt may phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy do ảnh hưởng dịch COVID- 19 dẫn đến thiếu nguyên phụ liệu sản xuất và tạm ngưng xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, các DN dệt may gặp khá nhiều thuận lợi do nền kinh tế các nước đang dần hồi phục, đơn hàng liên tục tăng.

Tại Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng tăng đột biến khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm thời trang tại Mỹ và các nước tăng mạnh. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn lực sản xuất ổn định và đơn hàng tăng nên 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của DN đạt hơn 4,5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Để đáp ứng nguồn cung cho các đối tác xuất khẩu, đầu năm 2021, công ty đầu tư 130 tỷ đồng xây dựng nhà máy may 2 tại Cụm công nghiệp An Hoà, phường An Hoà, TP. Huế và đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 lao động chuẩn bị đưa vào vận hành vào đầu năm 2022.  

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú Phạm Gia Định cho rằng, cùng với việc tập trung nguồn lực đầu tư nhà máy mới, công ty tiếp tục đầu tư thiết bị và hoàn thiện hệ thống quản lý để nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động, phấn đấu năm 2021 là 9 triệu đồng/người/tháng. Để ổn định đời sống cho CBCNV- LĐ và giúp người lao động gắn bó với DN, công ty đang đề nghị UBND huyện Phú Vang cấp đất để xây trường mẫu giáo và xây nhà ở cho CBCNV. 

Với 4 nhà máy may tại TX. Hương Thuỷ và Khu công nghiệp Phú Đa (Phú Vang), từ đầu năm đến nay, Công ty CP Dệt may Huế gặp nhiều thuận lợi khi đơn hàng đã chốt hết năm 2021, trong đó các đơn hàng truyền thống đối với sản phẩm áo quần thời trang khá ổn định và kim ngạch tăng cao.

Theo Giám đốc điều hành Nguyễn Hồng Liên, nếu so với thời điểm đầu tháng 5/2020 thì thời điểm này, các DN dệt may nói chung và Dệt may Huế nói riêng đều tăng trưởng mạnh khi nguồn cung ổn định, các đối tác liên tục tăng số lượng đơn hàng đã ký và định hướng mở rộng thị trường đang được DN tính đến.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp tại một số nước trên thế giới thì nguồn cung nguyên phụ liệu vẫn đang là mối lo khi trên 70% nguyên phụ liệu lâu nay các DN đều nhập khẩu từ các nước, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc. Vì vậy, phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ cho ngành dệt may sẽ góp phần giúp DN ổn định đầu vào để đáp ứng các đơn hàng trong mọi hoàn cảnh. 

Phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ

Theo số liệu từ Sở Công thương, KNXK hàng hóa trong tháng 4/2021 đạt 87,9 triệu USD; đưa tổng KNXK 4 tháng đầu năm 2021 đạt 337,4 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ và đạt 36% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 199 triệu USD, tăng 51%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài 138 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.

Một trong những ngành hàng có KNXK tăng mạnh từ đầu năm đến nay là dệt may với nhóm xơ, sợi dệt các loại đạt 74,6 triệu USD, tăng 64,8 %; hàng may mặc đạt 139,7 triệu USD, tăng 59,7%. Thị trường xuất khẩu đã mở rộng đến 39 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu,… góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Sơn, hiện Ban đang ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Trong đó, đốc thúc các dự án hạ tầng KCN Phong Điền, dự án xử lý nước thải để sớm hình thành KCN hỗ trợ ngành dệt may, trong đó bao gồm cả dệt nhuộm và công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu cho các DN trên địa bàn.

Để thực hiện chỉ tiêu KNXK năm 2021 đạt 920 triệu USD, theo lãnh đạo Sở Công thương, thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

Chất lượng nước thải, đặc biệt là nước thải tại các nhà máy, cơ sở, sản xuất khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là mối quan tâm của nhiều người. Nếu các yêu cầu từ đầu ra của nước thải không đạt quy chuẩn môi trường sẽ tác động đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

TIN MỚI

Return to top