ClockThứ Bảy, 24/04/2021 13:30

Thu hút đầu tư có chọn lọc - bài 3: Sẵn sàng đón sóng

TTH - Thành công trong thu hút đầu tư năm 2019-2020 đã và đang là bước đệm thu hút đầu tư năm 2021.

Thu hút đầu tư có chọn lọc - Bài 2: Nhà đầu tư được chăm sócThu hút đầu tư có chọn lọc - bài 1: “Quả ngọt” đầu tư

Nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên kêu gọi đầu tư

Phấn đấu thu hút 20 dự án

Kế thừa thành quả đạt được, trên cơ sở nhận định trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, các công ty đa quốc gia trên thế giới đang dần dịch chuyển và mở rộng đầu tư sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. UBND tỉnh chủ trương xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Các dự án (DA) kêu gọi đầu tư trên địa bàn đều được UBND tỉnh ban hành danh mục kêu gọi đầu tư và thông tin chi tiết DA. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 cũng được ban hành nhằm nắm bắt cơ hội vàng trong thu hút đầu tư.

Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2021 phấn đấu thu hút 20 DA với tổng vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng; trong đó, 5 đến 10 DA FDI với vốn đăng ký 200 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp (DN) thành lập đạt từ 800-850 DN, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện từ bên trong được quan tâm hơn. Các thông tin, điều kiện sẵn sàng để kêu gọi vào lĩnh vực ưu tiên, như: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; du lịch - dịch vụ, thương mại; công nghiệp công nghệ thông tin… đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng thông tin gần 200 DA; trong đó, có 16 DA được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN chủ động hỗ trợ nhà đầu tư trong xử lý các công việc liên quan, làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư làm việc với các địa phương để đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư DA.

Dự kiến, sẽ xây dựng danh mục các DA thu hút đầu tư năm 2021-2022 với khoảng 100 DA ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực tập trung kêu gọi của tỉnh, tập trung vào các địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương… Tiến hành xác định diện tích, quy mô, hiện trạng quy hoạch và các vấn đề liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc trình chấp thuận chủ trương đầu tư các DA thu hút đầu tư.

Chọn lọc

Năm 2021, tỉnh sẽ tập trung hướng đến mục tiêu thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm logistc; phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ từng nhấn mạnh tại tọa đàm “Hợp tác phát triển kinh tế Thừa Thiên Huế-Hàn Quốc”,  với thế mạnh trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh công nghệ số, Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên các DA có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng giảm diện tích đất sử dụng, tăng hàm lượng công nghệ, kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực và các điều kiện thực tế của tỉnh, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên.

Việc đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực đầu tư, kinh nghiệm thực tiễn triển khai DA nhằm hạn chế tình trạng “xí phần” DA rồi “quên”.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình thực hiện DA bên cạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; sự am hiểu pháp luật của nhà đầu tư; sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật ban hành; diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh;... thì năng lực của nhà đầu tư là yếu tố quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện DA. Vì thế trong quá trình nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư, ngoài việc xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật, thì việc nhận định và thẩm định năng lực, chọn lọc nhà đầu tư dựa trên hồ sơ năng lực của nhà đầu tư như năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện các DA tương tự; lực lượng nhân sự, “thương hiệu, uy tín”... cũng rất quan trọng làm cơ sở chọn lựa nhà đầu tư.

Hiện hình thức kêu gọi đầu tư cũng được thay đổi từ hướng mời gọi đầu tư từ “tỉnh có” sang “nhà đầu tư cần” và tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư. Duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Hoạt động xúc tiến đầu tư, muốn thành công, cần đi theo xu hướng marketing - chào bán sản phẩm. Muốn bán sản phẩm thành công cần xây dựng sản phẩm xúc tiến tốt. Do đó, cần định nghĩa, xây dựng danh mục DA kêu gọi đầu tư chi tiết, tiêu chí rõ ràng, cụ thể về một sản phẩm xúc tiến đầu tư tốt và phát triển chiến lược chào bán sản phẩm đó. Sản phẩm xúc tiến đầu tư chính là các DA kêu gọi đầu tư cụ thể, với các tiêu chí cụ thể, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh và đảm bảo các nền tảng cơ bản để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, loại ngay từ đầu những nhà đầu tư hạn chế về uy tín, năng lực.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư

TIN MỚI

Return to top