ClockThứ Bảy, 23/12/2023 10:03

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để phát sinh lợi ích nhóm, tiêu cực trong tăng trưởng tín dụng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1403/CĐ-TTg ngày 22/12/2023 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.
 Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ, nêu rõ:

Tiếp theo Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2023 và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 của Văn phòng Chính phủ, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khả thi, khoa học, đúng quy định, sát tình hình, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng… trong việc tăng trưởng tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hoặc tăng trưởng tín dụng không lành mạnh, phục vụ lợi ích nhóm, sân sau…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và có nguy cơ nợ xấu tăng.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý nghiêm theo quy định việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản cho khách hàng.

Yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng năm 2024, trong đó chú trọng rà soát, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, không để nợ xấu phát sinh.

Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 9444/VPCP-V.I ngày 01/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.

Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình, triển khai các biện pháp công tác, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng và cấp hạn mức tăng tín dụng trái các quy định, thiếu minh bạch, công khai, có tiêu cực, nhất là việc "xin - cho" trong việc cấp hạn mức tín dụng và tiêu cực trong môi giới, tư vấn bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, ước tính cần hơn 800.000 tỷ đồng để khơi thông cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Khơi thông vốn cho doanh nghiệp
Từ lợi ích nhóm đến tham nhũng

Xét khía cạnh nào đó thì “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” đã chứa đựng hàm ý nói về tham nhũng. Có người còn xem đó là loại “tham nhũng đặc biệt”, tham nhũng có tổ chức. Thực tế, trong những năm qua, số vụ tham nhũng lớn hầu hết đều xuất phát từ các nhóm lợi ích.

Từ lợi ích nhóm đến tham nhũng
Thủ tướng: Tham mưu phải tuyệt đối tránh lợi ích nhóm

Chiều tối ngày 23/1, tại Hà Nội, 4 Văn phòng Trung ương là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2017, phương hướng công tác năm 2018 và ký kết quy chế phối hợp công tác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị.

Thủ tướng Tham mưu phải tuyệt đối tránh lợi ích nhóm

TIN MỚI

Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngTìm hiểu chuyển tiền thường khác ngân hàng mất bao lâu Vay thấu chi online tín chấp
Return to top