ClockThứ Sáu, 07/06/2019 09:27

Thúc đẩy chuyển đổi kinh tế phi chính thức sang chính thức

Mặc dù kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP và việc làm, nhưng sự tồn tại của chúng chẳng những không đóng góp cho sự tiến bộ của cộng đồng doanh nghiệp (DN), mà còn cản trở sự phát triển và tạo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nhiều hệ lụy xấu

Sự tồn tại của khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh (với các hoạt động kinh tế ngầm nhằm tránh nghĩa vụ thuế, tránh tuân thủ quy định pháp luật, né đóng bảo hiểm xã hội…), hạn chế sự tiến bộ và văn minh của cộng đồng DN, gây khó khăn cho các DN thuộc khu vực chính thức. Không những thế, sự tồn tại các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bị pháp luật cấm (như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người…) gây ra nhiều tệ nạn xã hội, đe dọa sự bình yên và văn minh xã hội.

Một trong những biểu thị cho sự tiến bộ của nền kinh tế là sự tiến bộ về trình độ và phúc lợi nhận được của người lao động. Các DN trong khu vực chính thức không ngừng cạnh tranh trong việc sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho khách hàng, nên thường chú trọng đến việc phát triển năng lực cho người lao động và khuyến khích sự sáng tạo thông qua các chương trình đào tạo và đảm bảo phúc lợi cho người lao động.

Trái lại, khu vực phi chính thức chẳng những không đảm bảo phúc lợi tối thiểu cho người lao động, mà còn làm xói mòn vốn con người. Việc làm của người lao động ở khu vực này thường thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Họ ít cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bấp bênh và thường đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp nghèo trong xã hội.

Ngoài ra, khu vực phi chính thức hoạt động không tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các quy định điều kiện làm việc và phúc lợi đối với người lao động, nên người lao động thường xuyên làm việc trong điều kiện không an toàn, sức khỏe bị đe dọa và không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội. 

Cần thay đổi

Mặc dù kinh tế phi chính thức đã và đang tạo ra nhiều việc làm, hấp thụ số lượng lao động lớn dôi dư trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, nhưng không nên xem chúng là khu vực đóng góp tích cực. Trái lại, cần sớm đề ra tiến trình hợp lý để chuyển đổi các hoạt động kinh tế từ phi chính thức sang khu vực chính thức. Sự chuyển đổi này đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế pháp luật điều tiết các hoạt động kinh tế, kiểm soát chặt chẽ khâu cấp phép và giám sát các hoạt động kinh tế.

Trên thực tế, kinh tế chính thức với kinh tế không chính thức có mối quan hệ mật thiết. Nhiều sản phẩm, dịch vụ được giao dịch của khu vực phi chính thức có nguồn gốc sản xuất từ khu vực chính thức. Nhiều giao dịch không sử dụng hóa đơn, chứng từ nhằm mục đích giúp người bán tránh thuế. Trong khi người mua cũng như người bán không có nhu cầu sử dụng hóa đơn nên cùng chấp nhận giao dịch phi chính thức.

Vì vậy, việc thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân trên phần chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hóa đơn để quyết toán thuế khi chi tiêu, khi đó các giao dịch phi chính thức tự khắc sẽ giảm.

Mặt khác, với cơ chế quản lý nhà nước hiện hành, rất khó quản lý tính tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh, dễ biến tướng thành các hoạt động buôn bán phi chính thức. Thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh hộ khá đơn giản, ít phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như dễ bề thực hiện các hành vi né thuế hơn so với DN. Trong khi DN thì phải thực hiện rất nhiều thủ tục và chi phí tuân thủ pháp luật, cũng như chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Chính sự bất bình đẳng này mà nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN.

Buôn bán lấn chiếm lòng đường tạo nhếch nhác đô thị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Bên cạnh đó, khu vực không chính thức rất phổ biến trong các lĩnh vực mua bán, sửa chữa nhỏ nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh qua mạng, chợ ảo… thu hút rất nhiều khách hàng và nhiều người tham gia với doanh thu và lợi nhuận không thua kém DN kinh doanh trên mặt đất. Các hình thức kinh doanh phi chính thức dựa trên nền tảng công nghệ này đang tạo ra khoảng trống không gian thu thuế rất lớn. 

Các hoạt động kinh tế phi chính thức tạo ra sự nhếch nhác ở các đô thị như buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Khi lòng đường được chọn làm nơi mưu sinh, thì dù chính quyền có tổ chức nhiều cuộc ra quân lập giành lại vỉa hè, thì cũng nhanh chóng bị tái lấn chiếm.

Do vậy, không nên cấp phép cho các hộ buôn bán ở những mặt bằng chật hẹp (không đủ không gian tổ chức buôn bán, để xe) để hạn chế tình trạng buôn bán lấn chiếm, thu hút sự quy tụ các cá nhân buôn bán không chính thức.

Hướng đến sự chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang chính thức, cần thắt chặt các chính sách liên quan đến thực hiện nghĩa vụ về phúc lợi cho người lao động của DN, nhất là thực hiện nghiêm các chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về lao động, sao cho đảm bảo tất cả người lao động đều có hợp đồng chính thức, được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề, hướng đến đối tượng thường xuyên lao động trong khu vực không chính thức sẽ đủ năng lực làm việc trong khu vực chính thức.

Thật khó thống kê chính xác về khu vực kinh tế phi chính thức, bởi đây là các hoạt động kinh tế thoát khỏi một phần hoặc hoàn toàn các quy định của Nhà nước, người lao động tự làm và buôn bán bất hợp pháp.

Với cách hiểu đó, Tổng cục Thống kê đã xác định kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ lệ trên GDP là 16,43%, tỷ trọng lao động phi chính thức chiếm 57,2% vào năm 2016, thuộc mức cao so với nhiều nước trên thế giới.

Theo SGGP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Return to top