Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cỗ máy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Thực tế, trong 3 cấu phần trên thì “cỗ máy” xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của các quốc gia nói riêng và phạm vi toàn cầu nói chung. Bởi, nếu chỉ riêng rẽ từng quốc gia nỗ lực chống dịch thì cánh cửa xuất khẩu khó mà mở rộng. “Cỗ máy” đầu tư, nhất là đầu tư công được Chính phủ khởi động khá sớm và quyết liệt chỉ đạo, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo việc làm trong thời gian qua. Riêng “cỗ máy” tiêu dùng được đánh giá có triển vọng, nhưng xem ra khởi động còn chậm và chưa có sự bứt phá rõ nét.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa có sự ổn định và đặc biệt có sức chống chịu tốt hơn nhiều thị trường xuất khẩu. Thực tế chứng minh, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, ngành xuất khẩu lao dốc, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đều lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí dừng hoạt động, công nhân nghỉ việc hàng loạt. Trong khi đó, các doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa bị tác động ít hơn và cũng sớm phục hồi khi nước ta kiểm soát được dịch COVID-19.
Hơn nữa, với dân số khoảng 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, khả năng chi tiêu cao thì Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mà còn mang tính chiến lược lâu dài.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, khi nước ta đã và đang ký kết, tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực, thế giới, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà sẽ càng gay gắt hơn. Muốn chinh phục thị trường nước ngoài, trước hết các doanh nghiệp phải “chăm chút” để giữ sân nhà.
Để hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ 1- 31/7, với mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ 50%. Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo sức hút lớn, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài yếu tố giá cả, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh theo kiểu hàng tốt xuất khẩu, hàng kém chất lượng đưa về tiêu thụ nội địa theo tư duy “nhà vườn ăn cau sâu”.
Chỉ khi khách hàng nội địa được tôn trọng, chăm chút từ chất lượng sản phẩm đến khâu phục vụ thì không chỉ ưu tiên dùng mà họ sẽ sử dụng với niềm tự hào hàng Việt và chính họ trở thành người quảng bá hàng Việt đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả.
Hoàng Minh