ClockThứ Hai, 24/02/2020 14:29

Thủy điện ứng phó thiên tai - Kỳ 1: Khi thủy điện phát huy tác dụng

TTH - Các công trình thủy điện Hương Điền, Bình Điền... không chỉ có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện mà còn tích nước giảm lũ chính vụ, cắt lũ tiểu mãn, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong điều kiện ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.

Các vùng trũng Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy ngập trên diện rộngLượng mưa có thể đạt 100-200mm trong những ngày tới

Qua những mùa mưa lũ, hạn hán, các công trình thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền đã cho thấy vai trò, tác dụng rất rõ trong việc cắt lũ, giảm lũ và cứu lúa, cá lồng vào mùa khô hạn.

Thủy điện Hương Điền điều tiết xả lũ về hạ du

Không còn lũ lớn

Hơn 20 năm đã trôi qua, chị Trần Thị Trang ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) vẫn chưa hết bàng hoàng trước trận lũ lịch sử 1999. Lũ đổ về “nhanh như chớp” cuốn trôi nhà cửa, vật nuôi của một vùng quê nghèo thấp trũng. Tính mạng con người lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chị Trang mới sinh con được mấy ngày đã thoát nạn trong “gang tấc”, nhờ người dân ứng cứu trước khi trụ sở UBND xã bị lũ cuốn đổ sập.

Trước khi chưa có thủy điện, hầu như năm nào lũ lớn cũng ở mức báo động 2, 3 thậm chí trên báo động 3. Các vùng hạ du đều ngập sâu, kéo dài nhiều ngày, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ, gây thiệt hại rất lớn trong phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt người dân. Nhiều trận lũ gây thiệt hại về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà cửa, sản xuất… đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Các địa phương phải mất nhiều công sức, tiền của, thời gian mới khôi phục các công trình.

Đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các công trình thủy điện góp phần hạn chế ngập lũ trên các sông, hạ du từ 1-2 mét so với nhiều năm trước. Có thời điểm lượng mưa đầu nguồn rất lớn, đến 1.000mm nhưng vẫn không xảy ra lũ lớn trên các sông và vùng hạ du.

Trước đây, khi chưa có các công trình thủy điện, với lượng mưa lớn như thế thì mực nước các sông có thể đạt mức báo động 3, trên báo động 3 và ngập sâu ở vùng hạ du; ngoài ra còn xảy ra lũ đột ngột, người dân bị động trong việc triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Đình Đức ghi nhận, Quảng Điền là một trong những vùng thấp trũng của tỉnh được hưởng lợi từ các hồ thủy điện. Từ khi các công trình thủy điện ra đời, hầu như trên địa bàn thấp trũng của Quảng Điền chưa xảy ra lũ bất ngờ, ngập sâu kéo dài; riêng các trận lũ tiểu mãn không còn, thiệt hại về các công trình, sản xuất cũng ngày càng giảm.

Cứu lúa & cá lồng mùa khô hạn

Về các vùng nông thôn vào mùa nắng nóng mới cảm nhận được nỗi lo toan, vất vả của người dân khi đồng ruộng khô hạn. Chỉ các công trình hồ chứa thủy lợi như hồ Truồi, Thọ Sơn, Hòa Mỹ… khó có khả năng chống hạn cho toàn bộ diện tích hàng chục ngàn ha trên địa bàn tỉnh mỗi khi thiếu nước. Hơn lúc nào hết, người nông dân “một nắng hai sương” mới thấm thía vai trò của các công trình hồ thủy điện.

Có mặt ở hồ thủy điện vào những mùa khô hạn, thay vì chỉ lo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng tôi chứng kiến các chủ hồ thủy điện chấp nhận ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng để tiết kiệm nước, đảm bảo phục vụ cứu hạn cho hạ du.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền từng trải lòng: “Chúng tôi không hoàn toàn vì lợi ích của mình mà hướng đến lợi ích của hàng ngàn hộ dân đang đối diện với những thách thức vì khô hạn”.

Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế, TX. Hương Trà tin tưởng, khi hệ thống đồng ruộng trên địa bàn thị xã cũng như các địa phương khác bị thiếu nước, khô hạn, các công trình thủy điện luôn chấp hành yêu cầu của ngành nông nghiệp và các địa phương về việc điều tiết nước về hạ du để tưới lúa kịp thời. Các vụ hè thu gần đây có những lúc “rất bi quan” về năng suất, chất lượng sản phẩm vì khô hạn; nhưng các công trình thủy điện đã góp phần ứng cứu nên năng suất thường đạt khá cao, năm sau cao hơn hoặc bằng năm trước.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, không chỉ cây lúa, hoa màu mà cả nuôi cá lồng trên các sông cũng lâm vào cảnh lao đao vì thiên tai, biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài khiến mực nước trên các sông xuống thấp, dòng chảy yếu nên hàm lượng ô xi giảm mạnh khiến cá lồng nuôi có nguy cơ chết, thậm chí bị chết hàng loạt. Mấy năm gần đây thường bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng/năm vì cá lồng chết do nắng nóng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ban, ngành, chính quyền địa phương, nếu không có các công trình thủy điện điều tiết nước về hạ du cứu cá lồng thì con số thiệt hại sẽ cao gấp nhiều lần.

Tại buổi lễ tưởng niệm 20 năm trận lũ lịch sử 1999, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao các công trình hồ đập, trong đó đáng chú ý các công trình hồ Tả Trạch, thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới… đã góp phần quan trọng trong ứng phó thiên tai. Nhờ đó thiệt hại về tài sản và tính mạng do bão, lũ, hạn hán gây ra trong những năm gần đây đã giảm dần xuống mức thấp nhất.

Thủy điện Hương Điền nằm trên nhánh sông Bồ có diện tích lưu vực thủy điện là 707 km2, dung tích chính 820 triệu m3; công suất lắp máy 81 MW. Ngoài nhiệm vụ phát điện với sản lượng điện bình quân hàng năm 305,4 triệu KWh, công trình còn có nhiệm vụ tăng cường lượng nước cho vùng công nghiệp, nông nghiệp, hạn chế vùng ngập lụt vào mùa lũ.

Hồ chứa nước Bình Điền là công trình có nhiệm vụ phát điện với sản lượng hàng năm khoảng 160 - 200 triệu KWh. Thủy điện Bình Điền kết hợp với hồ chứa Tả Trạch có nhiệm vụ giảm độ sâu ngập lụt do lũ chính vụ cho hạ du sông Hương và thành phố Huế với tần suất P = 5%; chống lũ tiểu mãn và hè thu với tần suất P = 10%; cấp nước tưới cho 36 ngàn ha đất canh tác; trong đó hồ Tả Trạch đảm nhiệm 25.747 ha, hồ Bình Điền 10.253 ha; cấp nước sản xuất và sinh hoạt với lưu lượng đảm bảo q = 1,1 m3/s.

(Kỳ 2: An toàn cho các công trình)

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

TIN MỚI

Return to top