ClockThứ Năm, 28/03/2019 06:45

Tiết kiệm điện để ít ảnh hưởng đến khách hàng

TTH - Từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% so mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Để ứng phó và tiết giảm chi tiêu, các doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều giải pháp hợp lý nhằm hạn chế tác động đến khách hàng.

Doanh nghiệp ứng phó với giá điện tăngGiá điện dự kiến tăng 8,36% vào cuối tháng BaTăng giá điện: Tăng gánh nặng chi phí lên cả doanh nghiệp và người dân

Công ty CP Dệt may Huế đầu tư nâng cấp thiết bị Nhà máy Sợi nhằm tiết giảm điện năng

Nhiều giải pháp

Là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị với nhiều máy móc, trang thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, mỗi tháng Siêu thị Big C Huế phải chi trả trên 1 tỷ đồng tiền điện. Từ ngày 20/3 trở đi, số tiền điện của DN sẽ tăng thêm gần 100 triệu đồng.

Theo Giám đốc siêu thị -  bà Võ Thị Thu Thủy -  để ổn định kinh doanh và không tăng giá bán đối với các sản phẩm của Big C, hiện DN đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện (TKĐ), trong đó chú trọng các giải pháp nội bộ để không ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng. Trước mắt, DN yêu cầu tất cả CBCNV phải có ý thức TKĐ, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng vào giờ cao điểm và hạn chế tối đa việc sử dụng thang máy.

Việc vận hành các thiết bị điện sẽ bố trí hợp lý, điều chỉnh công suất tại các tủ đông, giảm ánh sáng trong khuôn viên siêu thị và cài đặt lại hệ thống TKĐ với mục đích tiết giảm điện năng và không tăng giá bán nếu các nhà cung cấp vẫn giữ giá.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may xuất khẩu với 2 nhà máy sợi, dệt nhuộm và 3 nhà máy may, trước đây mỗi tháng Công ty CP Dệt may Huế trả trên 6 tỷ đồng tiền điện, tương đương với trên 70 tỷ đồng/năm. Từ ngày 20/3, mỗi tháng đơn vị phải chi thêm khoảng 500 triệu đồng, nâng tổng số tiền điện mỗi tháng lên 6,8 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với đơn vị kinh doanh với trách nhiệm đảm bảo an sinh cho gần 5.000 CBCNV-LĐ tại các nhà máy.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tuyên truyền TKĐ đến khách hàng

Phó Tổng Giám đốc công ty -  ông Nguyễn Thanh Tý - cho rằng, giá điện tăng thì chi phí sẽ tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ bị tác động. Để ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh, DN đã triển khai nhiều giải pháp TKĐ, như tổ chức khảo sát quy trình vận hành máy móc để thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng, đưa ra các quy chế và hình thành thói quen TKĐ trong toàn công ty, tính toán và đưa ra các phương án hợp lý và tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm. Mặt khác, đơn vị nghiên cứu thị trường, tăng cường tìm kiếm các đơn hàng có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu.

Theo ông Tý, để TKĐ, thời gian qua công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng lắp đặt 3 máy biến tần cho 3 máy nhuộm; lắp biến tần cho 6 máy sợi con, nén khí…; đồng thời thay thế gần 3 ngàn bóng đèn điện quang bằng bóng đèn led TKĐ. Từ nguồn đầu tư này, mỗi năm DN tiết kiệm được gần 6 tỷ đồng tiền điện.

Năm 2019, DN tiếp tục đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng bằng các thiết bị hiện đại, như hệ thống máy cắt tự động hóa; thay thế các động cơ máy may, nâng cấp thiết bị nhà máy sợi với mục tiêu tiết giảm điện năng, giúp DN ổn định sản xuất, giữ giá thành để đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Tuyên truyền tiết kiệm điện

Từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện được quy định theo nhiều mức, trong đó dành cho các ngành sản xuất dao động từ 970 - 3.076 đồng/kWh tùy theo giờ sử dụng và cấp điện áp; khối hành chính sự nghiệp từ 1.659 - 1.902 đồng/kWh tùy theo từng cấp điện áp; giá bán lẻ điện cho kinh doanh từ 1.361- 4.587 đồng/kWh tùy theo giờ sử dụng điện và cấp điện áp; giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 1.678 - 2.927 đồng/kWh tùy theo bậc…

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Phúc cho biết, để đảm bảo cho việc tính tiền điện của khách hàng khi giá điện tăng, công ty huy động 550 nhân viên thực hiện chốt chỉ số công tơ của hơn 27.500 khách hàng ngoài sinh hoạt theo quy định trong ngày 20/3. Đối với các khách hàng sinh hoạt có ngày ghi chỉ số không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì tiền điện sẽ được tính theo phương pháp nội suy. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cho người sử dụng điện thông qua các chương trình như sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, chương trình quảng bá sử dụng đèn led, triển khai chương trình mới như khuyến khích sử dụng điều hòa công nghệ mới có hiệu suất cao và TKĐ.

Hiện, công ty đã gửi công văn đến khách hàng sử dụng điện trên địa bàn để vận động về việc thực hiện tiết giảm phụ tải vào thời gian cao điểm hệ thống điện. Theo đó, mức tiết giảm tối thiểu là 2% công suất sử dụng tối đa vào thời gian cao điểm của hệ thống điện (các khung giờ: 9h30-11h30; 14h-16h; 17h-20h).

“Trước mắt công ty tập trung vận động tiết giảm 25 phụ tải của 25 khách hàng sử dụng điện trọng điểm đã được UBND tỉnh phê duyệt như Công ty Hữu hạn Xi măng Luks, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Sợi Phú Bài...”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, trong bối cảnh nhu cầu điện hàng năm vẫn tăng trưởng ở mức cao, nhất là từ năm 2019 và những năm tới nên việc cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy đơn vị tăng cường quản lý nhu cầu phụ tải, trong đó TKĐ vẫn là một trong những giải pháp hữu hiệu có thể triển khai sâu rộng tới cộng đồng và khách hàng sử dụng điện. Theo đó, DN thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện  (DSM) và chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), tất cả các đối tượng khách hàng đều có lợi, qua đó nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư để xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần giảm áp lực tăng giá điện, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”

Ngày 12/12, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin: Từ tháng 11/2024, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng” năm 2024, hướng đến chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”
Xúc tiến thương mại: Giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng

Sự đồng hành của các nhà phân phối sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới khách hàng đối tác để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận.

Xúc tiến thương mại Giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng

TIN MỚI

Return to top