ClockThứ Năm, 06/12/2018 14:38
Về diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do nổ mìn khai thác đá ở Phong Xuân:

Tìm giải pháp bền vững giúp dân ổn định cuộc sống

TTH.VN - Ngày 6/12, UBND huyện Phong Điền do ông Trịnh Đức Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cùng các ngành chức năng, UBND xã Phong Xuân đã có buổi làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng về đất nông nghiệp do nổ mìn khai thác đá vôi của Công ty Xi măng Đồng Lâm.

Phải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dânPhong Xuân: Khai thác mỏ đá ảnh hưởng đời sống người dânĐạt được thỏa thuận hỗ trợ người dânXe chở đất “hoành hành”, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng

Bà Nguyễn Thị Đông, thôn Xuân Lộc (Phong Xuân, Phong Điền) phát biểu tại buổi làm việc

Khó khăn...

Theo thống kê của UBND xã Phong Xuân, có trên 26ha lúa 2 vụ của 94 hộ gia đình thuộc 2 thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc bị mất nước và ảnh hưởng do khói bụi, đá văng.

UBND huyện phối hợp với các xã đã tổ chức 4 cuộc họp với các hộ dân nhằm tìm hướng giải quyết, nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Đây là cuộc họp thứ 5 do đích thân Chủ tịch UBND huyện chủ trì nhằm đưa ra giải pháp cuối cùng.

Bà Nguyễn Thị Đông, thôn Xuân Lộc cho biết, gia đình bà canh tác 4 sào lúa nhưng bị ảnh hưởng do tình trạng mất nước. Thời gian qua, bà đã chuyển đổi 1 sào lúa qua trồng màu, tuy nhiên không hiệu quả do mất nước nặng. 3 sào đất còn lại, bà tiếp tục trồng lúa, nhưng thiếu nước. Bà mong muốn UBND huyện tìm giải pháp thiết thực để gia đình bà có thể tiếp tục canh tác trên mảnh đất này nhằm ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Bốn, thôn Xuân Điền Lộc trăn trở: Gia đình ông có 4 sào ruộng gần mỏ đá bị mất nước. Tuy nhiên, ông không muốn chuyển đổi cây trồng, bởi cây lúa đã gắn bó với ông từ nhiều năm qua. Ông mong muốn huyện tìm giải pháp để ông tiếp tục canh tác, sản xuất trên mảnh đất này.

Tại cuộc họp, các ông Trần Văn Khánh, Trần Văn Quốc (thôn Xuân Điền Lộc), Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Thành (thôn Xuân Lộc) khẳng định, số diện tích mất nước rất khó để tiếp tục canh tác trồng trọt, kể cả việc chuyển đổi qua cây trồng khác.

Các hộ dân này mong muốn huyện thu hồi các diện tích gần bờ đê mỏ, nơi mất nước nặng, có đá văng khi nổ mìn, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi canh tác. Một số vấn đề khác mà các hộ dân đưa ra là giải pháp thu hồi đất để cho đơn vị khác thuê sẽ như thế nào, phương án ra làm sao, người dân được hưởng lợi gì trong việc cho thuê đất. Phải chuyển đổi cây trồng qua cây gì là hợp lý, có hiệu quả nhất... cũng là mong mỏi của chung của người dân.

Nhiều giải pháp

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, trong số diện tích đất bị ảnh hưởng do việc nổ mìn của Công ty Xi măng Đồng Lâm, huyện đã đề ra giải pháp thu hồi 3,6ha đất sát bờ đê mỏ đá, bị ảnh hưởng mất nước nặng. Số diện tích 22,5ha còn lại, mất nước vừa và ít huyện đề nghị chuyển đổi quy hoạch từ trồng lúa nước sang các cây trồng khác với mục tiêu đảm bảo ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con. Nếu người dân không canh tác và cho thuê, giá trị cho thuê phải bằng với mức lúa có năng suất cao nhất xã Phong Xuân.

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Hùng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Phong Xuân kiểm tra lại vùng đất với cây trồng phù hợp, giúp nông dân có hướng sản xuất cho kịp vụ đông xuân. Trong đó, tham mưu cho huyện về chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho người dân về cải tạo đất, về giống... Nếu người dân thu nhập chưa được như ý muốn, huyện và Nhà máy Xi măng Đồng Lâm sẽ đồng hành cùng người dân, trong đó hỗ trợ người dân (kể cả những hộ không sản xuất) với mức thu nhập bằng với thu nhập năng suất lúa cao nhất ở Phong Xuân và thêm 20% giá trị thu nhập (sau khi đã trừ các chi phí).

Ông Trịnh Đức Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Về việc nổ mìn, huyện sẽ làm việc với Nhà máy Xi măng Đồng Lâm để thông báo cho bà con rõ ràng giờ nổ mìn để giúp người dân tránh được những sự cố đáng tiếc trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng.

Ngoài ra, ông Hùng cũng khuyến cáo, những trường hợp người dân lao động, sản xuất trong giờ nổ mìn của mỏ đá, nếu xảy ra sự cố, huyện và Nhà máy sẽ không chịu trách nhiệm. Đối với việc người dân tiếp tục trồng lúa trong vùng bị ảnh hưởng, huyện và nhà máy sẽ không chịu thêm chi phí hỗ trợ mất nước.

Huyện sẽ đồng hành cùng người dân trong việc chuyển đổi cây trồng theo từng vùng đất sao cho phù hợp. Trong đó, từng bước hỗ trợ người dân trong cải tạo đồng ruộng. Hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bao tiêu sản phẩm... giúp người dân ổn định cuộc sống về lâu dài. Ông Hùng khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm

Không trông chờ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Phong Điền đã xóa được nhà tạm cho nhiều hộ nghèo ở địa phương.

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm
Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
Return to top