Nhờ nguồn vốn chính sách ông Nguyễn Phu phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm
Với căn nhà 2 tầng khang trang và vườn thanh trà được chứng nhận VietGAP… ít người nghĩ, cách đây 5 năm gia đình ông Nguyễn Phu, thôn Trạch Hữu, xã Phong Thu là hộ nghèo.
Ông Phu nhớ lại. Căn nhà trước đây của gia đình chỉ là túp lều nhỏ. Ngày đó, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), hội, đoàn thể nhiều lần đến nhà vận động vay vốn Ngân hàng CSXH sửa chữa nhà ở, nhưng vợ ông ngại bởi cơm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền sửa nhà.
Năm 2005, ông Phu “liều” vay vốn từ Ngân hàng CSXH sửa tạm căn nhà. Nhà cửa tạm ổn, ông lại tiếp tục vay vốn thoát nghèo, phát triển sản xuất, vốn giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên… Qua 10 năm gắn bó với Ngân hàng CSXH huyện, ông chính thức thoát nghèo, đầu tư xây dựng nhà 2 tầng tránh mưa, tránh bão.
“Vốn chính sách có lãi suất thấp. Trong thời gian vay vốn, ngân hàng và các hội đoàn thể thường xuyên hỗ trợ tư vấn xây dựng, định hướng các mô hình kinh tế hiệu quả cho hộ vay. Tôi cũng có cơ hội tiết kiệm theo từng tháng nên dễ cân đối chi tiêu để trả nợ”, ông Phu bộc bạch.
Đến nay, cơ ngơi của gia đình ông Phu thuộc hàng top đầu của xã với hơn 100 gốc thanh trà, chăn nuôi đủ loại gia súc, gia cầm… thu nhập mỗi năm trên 250 triệu đồng. Nhờ nguồn từ chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn, con cái ông cũng được ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền chia sẻ: Đây là một trong những hộ vay vốn “bền vững” nhất của ngân hàng để thoát nghèo, phát triển kinh tế… Hơn 10 năm qua, hầu hết các chương trình, gia đình đều tham gia vay vốn và trả nợ rất đúng hạn.
Bà Đoàn Thị Quy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phong Thu thừa nhận, vốn TDCS đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Thông qua 7 tổ TK&VV, chúng tôi đã hỗ trợ vốn cho gần 350 hộ dân với dư nợ gần 20 tỷ đồng. Nhiều hộ nghèo trong số đó đã vươn lên làm giàu.
Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền cho hay, Ngân hàng CSXH huyện đang quản lý 18 chương trình cho vay vốn. Đến cuối tháng 8/2020, tổng nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 454 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2019 với gần 11.000 khách hàng còn dư nợ.
Việc ký kết các hợp đồng ủy thác giữa Ngân hàng CSXH huyện với các tổ chức chính trị là yếu tố quyết định thành công của hoạt động quản lý dòng vốn và chất lượng tín dụng. Hiện, tổng số nợ xấu trên địa bàn chỉ chiếm 0,04% trên tổng dư nợ, tỷ lệ thu nợ kỳ cuối luôn đạt tỷ lệ trên 99% nợ phải thu.
Tại các điểm giao dịch xã, các đoàn thể thực hiện khá tốt việc giám sát, hướng dẫn trong khi giao dịch. Các đoàn thể nhận ủy thác còn phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội cơ sở tham gia hoạt động ủy thác, triển khai tuyên truyền, tư vấn về chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giải đáp những vướng mắc trong thực hiện TDCS trên địa bàn. Nhờ đó, dư nợ ủy thác của các tổ chức hội ngày càng tăng, quy mô cho vay ngày càng được mở rộng với 287 tổ TKVV, bình quân dư nợ mỗi tổ trên 1,4 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Phong Điền hiện chỉ còn dưới 4,4%. Kết qủa này có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn TDCS từ Ngân hành CSXH huyện.
Hoàng Thảo Nguyên