Tàu cá vươn khơi
Từ ngày tàu vỏ thép hiện đại của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) hạ thủy đến nay đều thường xuyên bám biển, tổ chức khai thác hải sản vùng biển khơi, biển xa, trừ những ngày biển động mạnh. Nhiều chuyến biển vươn đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giáp ranh vùng biển nước khác. Yêu cầu đặt ra với ông Chiến là phải sử dụng thiết bị GPS trong quá trình khai thác, nhằm tránh vi phạm chủ quyền vùng biển các nước.
Ông Chiến bảo, nếu không gắn thiết bị GPS thì nguy cơ khai thác xâm phạm vùng biển nước khác tương đối cao. Nhiều lúc thông qua máy dò cá hiện đại, phát hiện lượng lớn hải sản, có giá trị nhưng lại thuộc vùng biển nước khác, giáp ranh với vùng biển Việt Nam. Ông Chiến cũng như các thuyền viên không “tham” và luôn ý thức rằng nếu vi phạm sẽ rắc rối liên quan các thủ tục pháp lý và bị phạt nặng theo quy định. Có thể mẻ lưới có giá trị cả tỷ đồng, nhưng không vì thế mà ông Chiến đánh đổi cả tài sản hàng chục tỷ đồng…
Thông qua thiết bị định vị, tàu ông Chiến cũng như các tàu ĐBXB có thể biết được tàu đang ở vị trí, tọa độ nào để di chuyển kịp thời đến nơi tránh trú an toàn khi có dự báo thời tiết xấu, bão hoạt động trên biển. Hơn nữa giữa vùng biển khơi, đại dương mênh mông buộc phải sử dụng thiết bị định vị để di chuyển trong quá trình khai thác và quay về bờ một cách chính xác, tránh nguy cơ tăng cho phí nhiên liệu. Cũng thông qua thiết bị hiện đại này, ngư dân “ghi nhớ” những vùng biển có nguồn lợi hải sản dồi dào để đến khai thác.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, trước yêu cầu hội nhập cần phải sử dụng thiết bị GPS trong công tác quản lý, giám sát hành trình, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Từ đó còn xác định nguồn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh an toàn trước xu hướng thị trường ngày càng khắt khe và xuất khẩu. Từ thiết bị GPS, ngành thủy sản, các địa phương kết hợp vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành khai thác hải sản đúng quy định cho ngư dân.
Từ cuối năm 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đồng bộ việc nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp GPS cho tàu ĐBXB. Đến nay, toàn tỉnh đã trang bị 417 máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh và thiết bị máy giám sát hành trình tàu cá (VMS) cho 417 tàu ĐBXB trong diện buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thông qua thiết bị định vị này, cơ quan chức năng chưa phát hiện có trường hợp tàu ĐBXB trên địa bàn tỉnh vi phạm quy định trong khai thác hải sản.
Tàu cá nói chung và tàu ĐBXB nói riêng đều sử dụng thiết bị GPS với mục đích xác định vị trí trên biển, điều động và hành trình tàu cá đến ngư trường, các vị trí tránh trú… Riêng tàu cá ĐBXB trên địa bàn tỉnh hiện nay đang sử dụng ba loại thiết bị định vị GPS để hỗ trợ sản xuất trên biển. Đó là máy định vị GPS xác định vị trí chuyên dùng, máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp GPS, thiết bị VMS hiện đại theo quy định bắt buộc hiện nay. Trong đó, các chủng loại máy định vị GPS xác định vị trí chuyên dùng và thiết bị VMS giúp chủ tàu trực tiếp biết vị trí hiện tại trên biển để điều động tàu theo chủ đích. Thiết bị máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp GPS và thiết bị máy VMS ngoài chức năng nêu trên còn có chức năng phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước giám sát vị trí tàu cá hoạt động trên biển thông qua trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh.
Ông Giang đánh giá, mỗi loại thiết bị đều có ưu, khuyết điểm nhất định. Trước thời điểm chưa có Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, hầu hết chủ tàu đều sử dụng hai loại thiết bị máy định vị GPS xác định vị trí chuyên dùng và máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp GPS để điều động trên biển. Sau khi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ có hiệu lực thì hệ thống thiết bị máy giám sát VMS ra đời và hiện đại hơn, chính xác hơn, công nghệ cải tiến rõ rệt so với hai hệ thống cũ. Định hướng của ngành thời gian tới sẽ ưu tiên hỗ trợ, vận động ngư dân đầu tư thiết bị máy VMS này để phục vụ quản lý tốt hơn.
Thời gian qua, tỉnh đã cấp kinh phí đầu tư xây dựng trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản nhằm thực hiện công tác giám sát, theo dõi thông qua hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, định vị GPS. Trạm có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu từ tàu cá chuyển về, ngư dân có trách nhiệm tự mua sắm thiết bị hiện đại này. Trước đây việc sử dụng, điều khiển thiết bị bộ đàm chủ yếu bằng tay, bây giờ việc cập nhật các vị trí hoạt động tàu, thuyền bằng chế độ tự động.
Bài, ảnh: Hoàng Triều