Dễ hiểu vì sao những tổn thất này lại nằm trong năm 2020 mà không phải là năm nào khác. Không chỉ là sự ứng dụng tất nhiên của một xu thế, nền tảng số đã được các văn phòng, chính quyền và thương mại điện tử vận dụng, phát huy tối đa công năng của nó khi COVID-19 đã thành trở lực cản trở sự di chuyển trên toàn cầu. Không rõ các thiệt hại này trên thế giới ra sao, và điều đó cũng còn phụ thuộc vào sự kiểm soát của công nghệ, nhận thức của người sử dụng các ứng dụng điện tử trong đời sống nữa.
Thông tin từ các kênh báo chí truyền thông mà chúng ta tiếp cận hàng ngày cũng cho thấy, tại Việt Nam, đã có không ít những vụ mất những khoản tiền lớn do người sở hữu tài khoản bị đánh cắp mật khẩu OTP (mã mật khẩu dùng 1 lần). Cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại là một cách, nhưng cũng có thể là kẻ xấu, bằng những cách nào đó đã lừa đảo, dẫn dụ người dùng cung cấp mã OTP này cho chúng và chỉ nhận ra khi tiền đã “bay” khỏi tài khoản. Cũng có thể, những thông tin từ các kênh truyền thông cũng mới chỉ là một phần nổi khi các nạn nhân trình báo, lên tiếng. Hơn 15.000 phần mềm gián điệp trên điện thoại di động là con số khác mà hệ thống giám sát virus của Bkav phát hiện mỗi tháng và điển hình là vụ việc N84App, phần mềm thu thập tin nhắn OTP giao dịch ngân hàng đã lây nhiễm hàng ngàn điện thoại thông minh tại Việt Nam. Hình thức tấn công có chủ đích APT sử dụng mã độc tàng hình đã bùng phát trong năm 2020. Theo thống kê của Bkav, đã có ít nhất 800.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm loại mã độc này trong năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2019 (dẫn từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
Phải xây dựng được môi trường kết nối an toàn gắn với việc luôn đánh giá an ninh hệ thống, đánh giá phần mềm; cài đặt phần mềm diệt virus, tường lửa, hệ thống giám sát… là điều các chuyên gia công nghệ cảnh báo đối với các cơ quan, doanh nghiệp… đang sử dụng các phần mềm trong điều hành hàng ngày. Thận trọng, cập nhật các cài đặt phần mềm diệt virus, bỏ qua những đường link, phần mềm không rõ nguồn, những “dẫn dụ” lạ qua email, tin nhắn điện thoại là những khuyến cáo đối với người tiêu dùng. Đương nhiên, nó còn là sự kéo theo của hệ quả này đến hệ quả kia nếu chúng ta không tỉnh táo khi thực hiện các ứng dụng và thao tác trên nền tảng số.
Nhìn từ phương diện khác, chúng ta có thể nhận thấy, những tổn thất trên nền tảng số không chỉ là những định lượng. Việc trở thành người dùng thông minh còn bao hàm cả những mất mát mang tính định tính, và đó là những mất mát khó có thể đong đếm về tinh thần. Tin giả hiện đang trở thành một vấn nạn, đe dọa không chỉ đến kinh tế mà còn cả với an ninh xã hội. Bạo lực tinh thần bắt đầu từ thông tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội đã không chỉ len lỏi mà đôi khi xộc thẳng vào mỗi chủ thể, mỗi mái ấm gia đình và tác động tiêu cực đến an sinh. Đây chính là những tổn thất kép mang tính xã hội.
Việc trở thành người dùng thông minh trên nền tảng số, có lẽ khuyến cáo chưa hề cũ đối với tất cả mọi người đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng phương thức này trong tất cả các giao dịch.
MINH HÀ