ClockThứ Tư, 06/02/2019 14:00

Trên ngàn con sóng

TTH - Khác với cảnh yên bình khi con tàu nối đuôi ra khỏi cửa biển là cảnh đánh lưới nhộn nhịp của “Tàu 67” và “phiên chợ” đặc biệt trên biển của tàu hậu cần. Một chuyến vượt trùng khơi cùng ngư dân mới thấm hết nỗi nhọc nhằn bám biển và giữ biển...

Nghề biển“Xin” kinh nghiệm giúp ngư dânĐóng tàu theo Nghị định 17: Ngư dân vẫn còn e ngại

Sôi động “phiên chợ” trên Biển Đông 

Tình “thủ túc” trên biển

Vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang) một ngày nắng đẹp, ngư dân lại rục rịch ra khơi. Tại các cảng cá, bến tàu, ngư dân tất bật với cơ man nào ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày. Ngỏ ý cùng ra khơi, ngư dân Trần Văn Chiến (An Dương, Phú Thuận) bảo: “Chú say sóng không? Ói cả mật xanh mật vàng gắng chịu hí!”. Cuộc đối đáp nhanh gọn giữa tôi và ngư dân Chiến vừa kết thúc thì dưới tàu, các bạn thuyền đã giục ông Chiến nhổ neo.

Chuyến đi được ông Chiến chuẩn bị kỹ càng: 6.000 lít dầu, 500 cây đá, 10.000 lít nước ngọt cùng thức ăn, mì gói, nhu yếu phẩm, đủ cho chuyến hành trình tới ngư trường Vịnh Bắc bộ. Con “Tàu 67” mang số hiệu TTH- 99999-TS công suất 822CV là “cơ nghiệp” cả đời tích cóp gia đình ông Chiến. Để có được con tàu sắt lướt sóng vững chãi như hiện nay là hành trình gian nan của một đời bám biển. “Tàu trị giá gần 18,5 tỷ đồng, nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi tiếp cận vốn vay của ngân hàng với lãi suất ưu đãi cùng nguồn vốn tích cóp mấy chục năm đi biển của gia đình. Chuyến ra khơi đầu tiên năm 2016 đến nay, tàu tôi cùng hai tàu sắt của ngư dân Nguyễn Hôi, Trần Dũng (Thuận An), đã trúng 3 vụ cá thu trị giá gần 1 tỷ đồng, nhờ đó đã trang trải ít nợ nần và đầu tư sắm thêm ngư lưới cụ”, ông Chiến đi lại mũi thuyền vừa xem xét thời tiết vừa nói.

Sau hơn nửa ngày lênh đênh trên biển, tàu ông Chiến cũng đến ngư trường Vịnh Bắc bộ. Vừa đến nơi, sau cuộc “điện đàm” với ngư dân Nguyễn Hôi- một chủ tàu sắt đã tìm được ngư trường có nhiều cá thu, thuyền trưởng Trần Văn Chiến liền điều chỉnh hướng tàu. Ông bảo: “Đi biển mà không có bạn, không kết hợp nhau mà làm ăn thì xem như bỏ. Ở đây anh em bọn tui thân như thủ túc là rứa đó!”

Đến nơi, 11 bạn thuyền của ông bắt tay ngay vào việc thả lưới bùng nhùng đánh cá. Lưới được thả lúc 3 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau thì thu lưới bằng máy tời. Mỗi vàng lưới bùng nhùng cao 50m, dài 17km được sự hỗ trợ của máy tời trên tay chuyền ngư dân đưa xuống biển.

Chuyến ra biển đầu tiên sau ảnh hưởng bão, tàu ông Chiến kiếm được non tấn cá thu cùng vài trăm cân các loại cá khác. Tranh thủ thuyền viên gỡ cá, thu lưới xuống hầm tàu, ông Chiến điện ngay tàu hậu cần thương lượng giá cả cùng thương lái.

Ở gần đó, “Tàu 67” của ngư dân Trần Hôi cũng “vào quả” khi mỗi ký cá thu được giá những 300 nghìn đồng. “Mỗi chuyến đi dài ngày của ngư dân chi phí khoảng 100 triệu. Sau khi bán cá cho tàu hậu cần thu mua, hạch toán lại chia 50% cho các bạn thuyền và 50% cho chủ tàu. Bình quân chủ tàu cũng lãi trên dưới 100 triệu đồng/chuyến”, ông Hôi cười tươi.

Phiên chợ đầu sóng

Những con tàu của ngư dân Thuận An, Phú Thuận hàng ngày vẫn lặng lẽ diễn ra ra giữa trùng khơi. Chợ “họp” mỗi tháng chừng 10-15 phiên tùy theo lượng hàng các tàu cá đánh bắt được cũng như từ chuyến ra khơi của đội tàu dịch vụ hậu cần. Chợ được thành hình trên nền những chiếc tàu chụm sát vào nhau, đèn đuốc sáng trưng.

Đêm về, những ngôi chợ trên biển cả cứ ngỡ như một vũ trụ thu nhỏ giữa trùng điệp các con sóng. Những con tàu làm nghề lưới vây sau khi trúng vụ cá liền liên lạc với các tàu hậu cần trong đất liền để bán cá ngay trên biển. Nghề lưới vây thường đánh cá có giá trị kinh tế thấp hơn so với lưới bùng nhùng, nhưng đổi lại, ngư dân được bán và thu “tiền tươi” ngay phiên chợ trên biển.

Lưới vây- nghề của sự độc đáo với những con tàu cách nhau chừng vài hải lý, chong đèn vào nhau để thu hút cá. Mỗi tàu đều được trang bị máy tầm ngư cùng mỗi vàng lưới vây trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Sau khi đặt lưới vây chừng 3 giờ đồng hồ, tàu của ngư dân Trần Dần (Hải Bình, Thuận An) bắt đầu thu lưới. Ông Dần trải lòng: “Đây là vụ cá chính nên mỗi chuyến, anh em trong nghiệp đoàn đi 20 ngày cũng phải kiếm được cả trăm tấn cá (khoảng 800 triệu đồng) bán mới có lãi. Dù giá các loại như nục, chim, ngừ, mực bán tại “chợ” trên biển chừng bằng ½ giá trên đất liền (từ 25-100 nghìn/kg), nhưng đổi lại các tàu đánh bắt không tốn chi phí tiền vào, tiết kiệm thời gian, cá được bán tươi và được thu mua nhu yếu phẩm ngay trên biển để tiếp tục chuyến hành trình nên cơ bản, các tàu đều có lãi”.

Mỗi trộ lưới vây của ngư dân thu về khoảng 100-150 triệu đồng tiền cá, trừ khoảng 10 triệu đồng chi phí tiền xăng, dầu, số tiền còn lại được chia 50% cho các thuyền viên và chủ tàu. Tàu ông Dần vừa xong mẻ cá nục đã có tàu dịch vụ hậu cần của ngư dân Nguyễn Văn Diện (Thuận An) đến thu mua. Từ trên bong, anh Dần thỏa thuận giá cả xong liền nhận “tiếp tế” thêm dầu, nước ngọt từ tàu cá ông Diện rồi “chốt giá”. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh khi các tàu tiếp tục những trộ lưới vây trên vùng biển đã dùng máy tầm ngư dò tìm.

Năm 2016, nhờ tích cóp được vốn, chính quyền hỗ trợ, ông Diện đóng được tàu 850 CV chuyên dịch vụ hậu cần. Tàu lớn, đi được những ngư trường xa, việc buôn bán càng thuận lợi hơn. Giấc mơ mở “chợ” trên biển của ông nay đã hiện hữu, nhờ đó, ở những ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân vẫn vững vàng đánh bắt”, ông Diện nói.

Ngư dân “trượng nghĩa”

“Làm ngư nghiệp mà “độc hành” là chết chắc”, câu nói chắc nịch của ngư dân Trần Văn Chiến như là lời đúc kết “xương máu” cho mấy chục năm theo nghề biển. Trong “bộ tam” tàu sắt 67 gồm ông Chiến, ông Hôi, ông Dũng, cái lợi không chỉ là có tàu lớn đi xa mà còn là sự chia sẻ ngư trường, điểm bán cá. Mỗi chuyến biển, các chủ tàu này thường liên lạc nhau bằng bộ đàm để thông báo tình hình thời tiết cũng như thông tin ngư trường, đất liền. “Có lần tàu của tôi trúng 2 tấn cá thu, bán được 600 triệu khi mới bắt tay đi “Tàu sắt 67” vào năm 2016 cũng là nhờ sự chia sẻ ngư trường của các anh em. Khi đến nơi, máy tầm ngư báo là liền liên lạc với nhau. Đợt đó tui trúng đậm ở ngư trường Vịnh Bắc bộ”, ông Chiến nhớ lại.

Câu chuyện ngư dân Phú Vang còn nhớ mãi là vào tháng 9/2018, khi tàu của anh Diện đang hoạt động thu mua cá cách ngư trường Hoàng Sa khoảng 80 hải lý. Do chỉ mới ra khơi khoảng hơn 2 ngày nên chỉ thu mua được ít cá thì bỗng dưng tàu bị hỏng bánh lái. Dùng bộ đàm liên lạc với các ngư dân trong tổ đội ở Thuận An mới hay tàu của anh em chỉ cách mình chừng 20 hải lý. Các thành viên trong đội đã quyết định cắt cử tàu của anh Dương Văn Thống (trú cùng địa phương) đến ứng cứu, lai dắt về.

Đối với các tàu hậu cần và tàu đánh bắt, nhiều lúc trong hoàn cảnh khốn khó, từng giọt nước ngọt, gói mì tôm cũng trở nên “nghĩa tình ngư dân” hơn bao giờ hết. Và, nghĩa tình đó đã viết lên những “trang sử” trên hành trình dài của bao lớp ngư dân thế hệ cha ông bám biển, được tiếp nối cho đến hôm nay.

Thực hiện Nghị định 67, toàn tỉnh đóng mới khoảng 45 tàu cá. Trong đó có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 820CV, 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400-800CV. Các ngư dân đã huy động vốn tự có để đóng mới thêm 35 tàu cá với công suất từ 400-1.000 CV. Hiện tại, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đã tăng từ 265 chiếc lên 453 chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 400CV trở lên tăng từ 38 chiếc lên hơn 200 chiếc và gần 60 chiếc tàu có công suất từ 800CV trở lên, nâng tổng số đội tàu cá của tỉnh lên hơn 2.000 chiếc. Sản lượng khai thác trên 39 nghìn tấn/năm.

Bài: Hà Nguyên
Ảnh: Thạch Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Return to top