Chị Hương vững vàng kinh tế hơn nhờ nuôi thỏ
Như bao người phụ nữ khác, chị Hương lập gia đình, sinh con. Kinh tế cả nhà trông chờ vào đôi vai của chị, và người chồng thương binh. Chị kể: “Thăng trầm không sao kể xiết. Làm lụng vất vả, có năm tôi tích góp, vay mượn để buôn gạo. Nào ngờ lụt to, vốn liếng, công nợ ngâm trong dòng nước. Cầm nắm gạo trong tay hoi bục mà nước mắt chảy dài…”.
Chuỗi ngày nợ nần, gian truân của cả gia đình không làm người phụ nữ nhỏ bé ấy chùn bước. Với nghị lực, chị vực dậy kinh tế từng chút một. Làm lại từ đầu, chị quyết chí nuôi lợn. Ban đầu chỉ vài con, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà đàn lợn phát triển nhanh, cao điểm có lúc chuồng nuôi 80 lợn thịt, 5 lợn nái.
Càng gian khó càng vững chí, chị thuê ruộng, làm đến 7 mẫu. Chị chia sẻ: “Quan trọng là việc tranh thủ, siêng năng và biết cách làm. Vì thế tôi tậu thêm máy tuốt, máy cày, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa phục vụ nhu cầu của bà con”. Vào thời kỳ máy tuốt lúa lên ngôi, người phụ nữ sinh năm 1965 này từng bươn chải khắp vùng, một mình một máy dù đây là công việc vất vả, chỉ phù hợp với sức vóc nam giới.
Sau này, nắm bắt nhu cầu, chị Hương mở thêm dịch vụ mua bán vật tư nông nghiệp, bán hàng tạp hóa, dịch vụ nhà hàng. Và hiện nay, chị đang dồn tâm sức vào mô hình mới tại Phong Chương, đó là nuôi thỏ.
Ban đầu, chị mua 13 con thỏ sinh sản về nuôi thử. Do nuôi thủ công, lại chưa biết cách chăm sóc nên thỏ chết, chậm lớn. Nhận ra căn nguyên thất bại là do chưa nhiều kinh nghiệm, chị Hương quyết tâm học hỏi, từ trại nuôi thỏ đến sách báo, internet.
Ấp ủ, quên ăn quên ngủ từ cuối năm 2018, đến nay, mô hình nuôi thỏ của chị đã cho quả ngọt. Hiện, tại chuồng nuôi duy trì 30 thỏ mẹ. Tỷ lệ thỏ hao hụt giảm, thời gian sinh sản, số lượng thỏ con ổn định, trung bình đạt từ 4 - 6 con/mẹ/lứa. Với giá bán 1kg thỏ thịt là 80.000đ, cứ sau ba tháng là có thể xuất chuồng, mỗi năm trại thỏ mang về cho chị hàng chục triệu đồng, chưa kể những nguồn thu khác. Đến nay, kinh tế gia đình chị Hương được cải thiện đáng kể. Con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Mặc dù bận rộn ông việc, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, nhưng chị Diệu Hương vẫn sắp xếp thời gian một cách hợp lý, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Hiện chị là Chi hội trưởng năng nổ của Chi hội Phụ nữ thôn Lương Mai.
Với tinh thần tương thân, tương ái, chị Hương chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ chị em hội viên trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi; giúp các chị em phụ nữ tự tin cải thiện kinh tế gia đình.
Mô hình nuôi thỏ của chị Trần Thị Diệu Hương trong thời gian tới sẽ được Hội LHPN xã Phong Chương tuyên truyền để nhân rộng. Từ đó tạo động lực cho những chị em phụ nữ có tâm huyết, khát khao phát triển kinh tế trên quê hương mình.
Bài, ảnh: Mai Huế