ClockThứ Tư, 09/10/2024 14:48

Ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Trên cơ sở kết quả của 8 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Hội Cựu chiến binh Phú Lộc thúc đẩy hội viên phát triển kinh tếTrồng hoa lily, hoa cúc, hoa đồng tiền từ ứng dụng công nghệ caoKinh tế phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp sáng 9/10. (Ảnh: DUY LINH) 

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700-4.730 USD) do biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu VND; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024.

 Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đặc biệt, đã dành gần 700 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 với mức cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…

Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường... vẫn là thách thức lớn...

Tăng cường giám sát thị trường vàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một số thành tựu trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; tuy nhiên, đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Cụ thể, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,8%, thấp hơn so với mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước 9 tháng/2024 tăng 7,1%, bằng gần một nửa mức tăng trưởng của giai đoạn 2015-2019; vốn khu vực Nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH) 

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình chung của cả nước. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.

Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh cần có giải pháp đặc biệt để khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp ở các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp dài hạn huy động và cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế và yêu cầu thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát thị trường vàng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với đó có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu thực hiện các giải pháp để hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc huy động vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đầu tư tư nhân và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững của Việt Nam.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
Tín dụng đã phục hồi

Càng về cuối năm, nhu cầu đầu tư của người dân, doanh nghiệp càng tăng. Đây là cơ sở quan trọng tạo đà thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.

Tín dụng đã phục hồi
Return to top