ClockThứ Hai, 30/11/2020 10:13

Về Chân Mây, nhớ Chủ tịch nước Lê Đức Anh

TTH - Cùng với 2 bến cảng mới và con đê chắn sóng vừa được xây dựng, kể từ năm 2021, Chân Mây (huyện Phú Lộc) hội đủ điều kiện để trở thành thương cảng lớn ở miền Trung, khi mỗi năm có thể tiếp nhận đến 7,5 triệu tấn hàng hóa, chưa kể lượng du khách đến bằng tàu biển từ nhiều năm nay. Và có được Cảng Chân Mây như hôm nay, Thừa Thiên Huế không thể quên công lao của Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ tổ chức tại HuếQuốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Tiễn biệt vị tướng lừng lẫy!

Cảng Chân Mây có thể đón các tàu tải trọng lớn. Ảnh: Nguyễn Phong

Từ gợi ý của Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Năm 1993, trong lần ra Hà Nội họp BCH TW Đảng phiên cuối năm, vào giờ giải lao, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đưa vấn đề Chân Mây ra trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng và cho biết: "Thời còn ở Bộ Tổng tham mưu, anh có xem bản đồ của quân đội Mỹ. Họ đã khảo sát vùng Chân Mây và dự trù lập quân cảng ở đây”.

Trước khi kết thúc trao đổi, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhắc nhở, động viên Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng: “Anh về bàn với anh em, cố bám Chính phủ mà triển khai, có gì tôi sẽ trao đổi thêm với anh Võ Văn Kiệt”.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cuối năm 1994, đoàn cán bộ của Phân viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh do TS. Trương Đình Hiển dẫn đầu sau khi khảo sát Dung Quất (Quảng Ngãi) đã về Chân Mây.

Sáng 24/3/1996, cánh làm báo chúng tôi theo đoàn công tác của Chính phủ, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu thị sát Chân Mây.

Từ thôn Cảnh Dương, men theo bờ biển, đoàn xe băng băng tiến về vùng cửa Chu Mới.

Không chỉ đoàn công tác Chính phủ mà nhiều lãnh đạo Thừa Thiên Huế lần đầu tiên đặt chân đến đây và tận mắt nhìn thấy 2 mỏm núi: Chân Mây đông và Chân Mây tây như vòng tay thiên nhiên hào phóng ôm ấp, che chở cho vịnh nước sâu này.

Trải tấm họa đồ lên nắp capo xe, TS. Trương Đình Hiển say sưa thuyết trình về lợi thế qua những chỉ số mà đoàn của ông trực tiếp đo đạc.

Chân Mây không chỉ gần Huế - Đà Nẵng và hệ thống quốc lộ, đường sắt, sân bay mà có cả thung lũng Thừa Lưu - Nước Ngọt khá rộng và tương đối bằng phẳng để phát triển. Tại đây, hội đủ điều kiện để xây dựng cảng nước sâu, vì vịnh Chân Mây có đến 65% diện tích mặt nước có độ sâu từ 9-14m…

Cuối năm đó, vào ngày 27/12/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt định hướng phát triển, chính thức khai sinh cho khu đô thị mới Chân Mây sau này.

Chân Mây sẽ trở nên sống động

Là địa phương trải qua trận lũ lịch sử 1999, khó khăn tứ bề nhưng vì lợi ích lâu dài, Thừa Thiên Huế đã dốc hầu bao để thực thi cho bằng được công trình này.

Sáng 25/3/2001, bên bờ Nam cửa Chu Mới giáp với mũi Chân Mây đông, Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khởi công. Chỉ sau hơn 2 năm nỗ lực xây dựng, đúng như mong đợi, ngày 19/5/2003, Cảng Chân Mây chính thức đi vào hoạt động.

Trừ năm 2020, còn những năm trước đó, bến số 1 Cảng Chân Mây luôn khai thác vượt công suất, có năm lên 2,7 triệu tấn hàng hóa (chưa kể lượng du khách đến bằng tàu biển). Cảng Chân Mây không chỉ đủ khả năng đón được tàu du lịch hạng sang có trọng tải 282.225GRT(như tàu Oasis of The Seas), mà còn đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải 50.000 DWT.

Với gần 2.500 tỷ từ nhiều nguồn được rót vào đây, kể từ năm 2021, ở Chân Mây sẽ có thêm 3 dự án được đưa vào sử dụng; đó là con đê chắn sóng dài 450 mét; 2 bến cảng thương mại do Công ty cổ phần Chân Mây đầu tư bến số 2 dài 280 mét và Công ty TNHH Hào Hưng đầu tư bến số 3 dài 270 mét.

Chính những công trình này sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới, hội đủ yếu tố giúp Chân Mây trở thành thương cảng lớn của khu vực miền Trung, không chỉ đón tàu du lịch và hàng rời, mà còn tiến tới đón tàu chuyên chở container như Tiên Sa - Đà Nẵng.

Với hệ thống hạ tầng được nâng cấp (thêm hầm đường bộ Hải Vân 2 và xây mới nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài sẽ sớm đưa vào sử dụng), Thừa Thiên Huế tự tin đón các nhà đầu tư lớn.

Riêng ở Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, trong khi chờ Chính phủ cho phép bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (hay còn gọi là sơ đồ quy hoạch Điện VII), thì tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vào đầu tháng 11/2020, Tổng Giám đốc Công ty CP Chân Mây LNG  John Rockhold cho biết, doanh nghiệp đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí…và cam kết sẽ khởi công dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG có tổng công suất 4.000 MW vào quý I/2021. Nếu khả thi, nhà máy có tổng mức đầu tư xấp xỷ 6 tỷ USD này không chỉ lớn nhất ở Thừa Thiên Huế mà còn vượt nhiều địa phương khác.

Từ gợi ý của Chủ tịch nước Lê Đức Anh và sự nhiệt thành ủng hộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau gần 1/4 thế kỷ bền bỉ vượt khó, đến hôm nay Chân Mây mới thật sự trở thành thương cảng lớn, dẫu phía trước còn lắm gian truân. Và tôi vẫn ngập tràn hy vọng: rồi đây Chân Mây sẽ trở nên sống động, không hắt hiu buồn như một thời đã qua.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ gác bếp của ngoại

Mỗi khi mùa đông gõ cửa, trong tâm trí tôi lại hiện về những kỷ niệm gắn liền với căn gác bếp nhỏ bé của ngoại, nơi đã từng là trái tim của ngôi nhà, lưu giữ biết bao ký ức ngọt ngào và thân thương.

Nhớ gác bếp của ngoại
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ và Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Trị

Trong chuyến công tác tại Quảng Trị, chiều 15/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương tới dâng hương, dâng hoa tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; dâng hương, dâng hoa viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ và Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Trị
Return to top