Thứ Bảy, 10/03/2018 14:58
(GMT+7)
Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược CPTPP
Nhân dịp Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Koichi Ishikawa thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Đại học châu Á về tầm quan trọng và lợi ích của hiệp định này.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago ngày 8/3. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Giáo sư Koichi Ishikawa, trong bối cảnh Mỹ - một đồng minh của Nhật Bản - đi theo hướng thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tokyo đã nỗ lực thúc đẩy thành công thỏa thuận đa phương CPTPP. Chính phủ Nhật Bản dự kiến CPTPP có 11 thành viên sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 1,49%. Nếu CPTPP có 12 thành viên, con số này sẽ là 2,49%. Như vậy, thiếu Mỹ, mức độ cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm chút ít song 1,49% vẫn là một con số khá lớn và hiệu quả đối với nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang có tỷ lệ tăng trưởng ở mức thấp.
Ngoài ra, Nhật Bản còn nhằm mục tiêu tạo ra siêu hiệp định tự do thương mại đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương. Trong tương lai, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhất thế giới. Vì vậy, việc trở thành một khu vực tự do thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) sẽ được thành lập trong tương lai.
Theo Giáo sư Koichi Ishikawa, CPTPP ban hành nhiều quy định mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh… Những quy định mới được ban hành trong TPP 12 thành viên trước đây mặc dù có một phần bị tạm dừng song phần lớn đã được bảo lưu trong CPTPP. Chính vì vậy, CPTPP được gọi là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) của thế kỷ 21 và sẽ trở thành kiểu mẫu của FTA thế giới trong tương lai.
Giáo sư Ishikawa cũng cho rằng CPTPP sẽ là công cụ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng lan rộng các chính sách bảo hộ của Mỹ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có nhiều quyết định mạnh mẽ thể hiện chủ trương bảo hộ thương mại, trong đó gần nhất là việc áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu.
Giáo sư Ishikawa nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cả về phương diện thương mại và đầu tư, do đó Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong chiến lược CPTPP của Nhật Bản.
Theo Báo Tin tức