ClockThứ Bảy, 30/09/2017 14:44

Việt Nam đón dòng vốn FDI đạt con số kỷ lục 25,5 tỷ USD

Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, nền kinh tế đang phát triển tích cực và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 20/9/2017, đã có 1.844 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 878 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 21,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. 

Một công đoạn sản xuất hàng may mặc tại Công ty Spectre Việt Nam 100% vốn đầu tư Đan Mạch

Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 3.700 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,2 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 36,5%; các ngành còn lại đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 26,7%.

Trong số các địa phương có dự án FDI được cấp phép mới, Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3,14 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nam Định 2,1 tỷ USD; Kiên Giang 1,3 tỷ USD; Bình Dương 1,1 tỷ USD...

Những con số tích cực trên đã chứng tỏ môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Jesper Klausen, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre Việt Nam (nhà máy đặt tại Thái Bình và Nam Định) khẳng định: “Tình hình kinh doanh ở Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Đó là động lực để Spectre quyết định đầu tư nhà máy mới ở Nam Định với 100% vốn của công ty mẹ Spectre A/S”.

Được biết, Spectre đã thành lập tại Đan Mạch từ năm 1947. Spectre đến Việt Nam vào năm 2010 với tư cách là công ty liên doanh với Công ty TNHH Minh Trí, đặt nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Những sản phẩm chủ đạo của Spectre tại Việt Nam là trang phục thể thao cho các môn leo núi, chạy bộ, đạp xe và săn bắn. Nhà máy tại Nam Định là nhà máy thứ hai, vừa được khai trương với số vốn đầu tư trong giai đoạn đầu là hơn 5 triệu USD.

Ông Jesper Klausen cho biết, sau khi cân nhắc giữa nhiều sự lựa chọn, đặc biệt là so sánh với Trung Quốc, ông Jesper Klausen đã quyết định đặt nhà máy tại Việt Nam do có nhiều triển vọng. Trong quá trình phát triển nhà máy thứ hai tại Việt Nam, công ty được lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, không gặp khó khăn gì. 

Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 4,9 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, con số FDI đạt mức kỷ lục có thể coi là điểm sáng của nền kinh tế. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục thực hiện những cải cách cần thiết nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể nói, với kỷ lục mới trong thu hút FDI, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã đạt được kết quả tích cực. Đồng thời, Việt Nam dã tham gia vào hàng loạt hiệp địh thương mại tự do song phương và đa phương cũng đã làm tăng thêm sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, về phía cơ quan nghiên cứu, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đề nghị việc thu hút vốn FDI rất lạc quan, tuy nhiên cần chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hạn chế những dự án quy mô nhỏ, dưới 1 triệu USD vì có thể gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước.

Một điểm cần lưu ý, mặc dù khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được nhiều lợi thế của khu vực này, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ, một trong những mục tiêu quan trọng của việc thu hút đầu tư FDI.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top