ClockThứ Bảy, 16/09/2017 10:47

Việt Nam nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái Lan

Bên cạnh lý do Thái Lan nỗ lực giảm thuế theo các cam kết hội nhập thì hiện nay các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Ngày 15/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị để tìm nguyên nhân Việt Nam đang nhập siêu từ Thái Lan và bàn giải pháp nâng cao sự cạnh tranh của hàng Việt, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), trong 8 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan chỉ đạt khoảng 3,07 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.  
Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu về như các mặt hàng điện, điện tử và linh kiện, rau quả, máy tính, sản phẩm nhựa, sắt thép; các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…
Đối với rau quả, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD (chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam trên thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016). Trong 8 tháng năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan vào Việt Nam đã lên tới 618 triệu USD.
Bên cạnh lý do Thái Lan nỗ lực giảm thuế theo các cam kết hội nhập thì hiện nay các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan. Ngoài ra còn do các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm phải tìm ra được giải pháp để khắc phục tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới. Nhiều giải pháp được nêu ra trong cuộc họp nhưng được kỳ vọng là việc áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu theo hướng kiểm soát chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu (gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường). 
Bộ Công thương cũng nêu giải pháp đề nghị các siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam, hợp tác với các Tập đoàn phân phối bán lẻ của Thái Lan để tổ chức tuần hàng Việt Nam và hội nghị kết nối mua hàng Việt, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan. Bộ Công thương phải phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ NN-PTNT để quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Theo SGGP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Chalermchai Sri-on chia sẻ, nước này đặt mục tiêu sẽ giảm nhiều hơn lượng khí thải độc hại, khi những nỗ lực của Thái Lan vẫn chưa đạt được mục tiêu giúp kiểm soát nhiệt độ ngày càng tăng của hành tinh.

Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải
Return to top