Với chủ đề "Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới", Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam được tổ chức sáng nay (4/10) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau 30 năm, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Khu vực FDI đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Dũng đánh giá.
Số liệu cụ thể về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 30 năm qua.
Đi tắt, đón đầu để tận dụng cơ hội
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực, và đang đặt ra những thách thức rất lớn nhưng cũng tạo nhiều cơ hội để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, bắt kịp với các nước. Để tận dụng được các cơ hội đó, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư đích đáng cho hoạt động đổi mới, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khuyến khích dòng đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề mới.
Việt Nam ưu tiên thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao
Về định hướng thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, kết cấu hạ tầng hiện đại, và các ngành nghề mới trên nền tảng 4.0.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tào nguồn nhân lực... Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, Bộ trưởng Dũng nêu rõ.
Đảm bảo chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu
Về định hướng theo địa phương, vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Về định hướng thị trường và đối tác, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: Đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại. Không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực.
"Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng", Bộ trưởng Dũng nói.
Các đại biểu tham gia Hội nghị, tập trung thảo luận về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; thách thức, cơ hội đầu tư trong quá trình hội nhập quốc tế; cũng như các vấn đề liên quan đến tập trung đầu tư các cực tăng trưởng thúc đẩy liên kết, phát triển vùng; kết nối và lan tỏa khu vực FDI và đầu tư trong nước; thu hút FDI từ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;…
Diễn ra đồng thời với Hội nghị là Triển lãm thành tựu 30 năm thu hút FDI với quy mô khoảng 100 gian hàng của các tỉnh thành và các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 9/2018, Việt Nam có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD vào 19 trong số 21 ngành nghề kinh tế của Việt Nam.
Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp theo là bất động sản (17,1%), sản xuất và phân phối điện, khí, nước (6,8%).
Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư gần 117 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Singapore, Đài Loan, British Virgin Islands và Hongkong.
Theo VOV