Doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển kinh tế
Phát huy lợi thế công nghệ thông tin
Trong bối cảnh, người dân và doanh nghiệp (DN) có xu hướng làm việc từ xa; việc hỗ trợ người nộp thuế (NNT) và thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ thông qua cổng thông tin điện tử của ngành Thuế như: eTax, thuedientu.gdt.gov.vn là ưu tiên hàng đầu.
Nếu trước đó, cơ quan thuế chủ yếu nhận hồ sơ giấy do các đơn vị, DN trực tiếp đến nộp thì nay gần 100% DN, tổ chức trên địa bàn đều sử dụng kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân đều được tiếp nhận thông qua hệ thống eTax.
Dịch vụ hóa đơn điện tử tuy mới được triển khai nhưng cũng có bước ngoặt khi đến nay toàn tỉnh đã có hơn 90% DN sử dụng dịch vụ này.
Song song với những ứng dụng do Tổng cục Thuế phát triển, Cục Thuế tỉnh cũng có bước đi riêng để hỗ trợ trực tuyến cho NNT, đó là phát huy lợi thế của các mạng xã hội. Hiện nay, bên cạnh các hình thức hỗ trợ truyền thống, Cục Thuế tỉnh đang duy trì hỗ trợ và tương tác với NNT qua mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, hộp thư điện tử chính thức của cơ quan thuế. Trong những đợt giãn cách xã hội, những kênh thông tin này có lượt truy cập và tương tác tăng đột biến. Cùng với trang thông tin điện tử, mạng xã hội là nơi được Cục Thuế tỉnh cập nhập thường xuyên chính sách văn bản và các hướng dẫn đến NNT, đảm bảo công tác tuyên truyền và quản lý thuế vẫn hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Các doanh nghiệp luôn đặt “mục tiêu két” trong sản xuất kinh doanh & phòng chống dịch bệnh
Theo đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, nhìn theo hướng tích cực thì những thách thức mà dịch COVID-19 đem đến cũng đã mở ra cơ hội cho ngành thuế thay đổi theo hướng thích ứng. Từ văn phòng Cục Thuế tỉnh đến các chi cục thuế đều trang bị các thiết bị phục vụ công tác đào tạo, hội nghị, tập huấn từ xa cho công chức và NNT. Các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thuế cũng chuyển dần sang hình thức đào tạo trực tuyến nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng chuyển dần từ kiểm tra tại trụ sở NNT sang kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Tại những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với NNT cũng được trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn và những quy định để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Đảm bảo thu ngân sách đúng kế hoạch
Các biện pháp phòng chống dịch ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT cũng như công tác quản lý thuế. Vì thế ngành thuế phải tăng cường các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Qua 5 tháng triển khai nhiệm vụ, số thu nội địa toàn tỉnh do Cục Thuế tỉnh thực hiện được gần 4.000 tỷ đồng, đạt hơn 70% dự toán của Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao và bằng 124% so cùng kỳ. Đây là kết quả đáng ghi nhận của ngành Thuế tỉnh cũng như sự nỗ lực của cộng đồng DN và NNT trên địa bàn trong bối cảnh như hiện nay.
Trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh dự báo vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu ngân sách. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách theo nguyên tắc phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng.
Theo đó, ngành thuế sẽ tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách; trong đó, quan tâm đấu giá, đầu thầu các dự án (DA) trọng điểm như: Khu đô thị Phú Mỹ An, Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1, Khu nhà ở An Đông, DA Khu đô thị An Cựu, DA Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, DA Công viên vườn Địa Đàng, khu đất Đào Tấn... Đồng thời, thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện DA, bán đấu giá quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng thiết yếu; xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng đất (1 lần) các DA lớn và tập trung triển khai các DA đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn (thuế VAT).
Ngành thuế tỉnh tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2021 đã được Tổng cục Thuế phê duyệt. Trong đó, chú trọng công tác thanh tra kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế để tạo thuận lợi cho NNT. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị trực thuộc cũng sẽ bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” của DN; thực hiện đầy đủ, toàn diện các giải pháp về hỗ trợ NNT, giúp NNT dần vượt qua khó khăn, khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ổn định bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Bài, ảnh: Anh Tuấn