ClockThứ Tư, 05/08/2020 08:41

Vùng KTTĐ miền Trung và vùng Tây Nguyên: Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển KTXH

TTH.VN - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên.

Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán NSNN năm 2021Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên cần kiên quyết trong việc tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút, đón đầu dòng vốn đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển trên thế giới.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên.

Để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao trong năm 2020 và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, cơ quan tập trung thực hiện một số nội dung định hướng sau:

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung, vùng Tây Nguyên và các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và trở thành một cực tăng trưởng của đất nước. Phải coi mục tiêu này là nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của từng tỉnh, thành phố. Cần xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể, thiết thực, hiệu quả với những giải pháp đột phá để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 06 tháng cuối năm với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng kinh tế của hai vùng năm 2020 không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước (trong đó không có tỉnh, thành phố tăng trưởng âm) và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả vốn ODA).

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa phương mình. Riêng thành phố Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp mạnh để chặn đứng dịch bệnh, không để lây rộng ra cộng đồng, phải coi chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cấp bách nhất cần dồn mọi nguồn lực để thực hiện.

Các tỉnh, thành phố cần kiên quyết trong việc tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút, đón đầu dòng vốn đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển trên thế giới; tăng cường điều phối, kết nối và liên kết vùng, kết nối chuỗi giá trị; nghiên cứu, tranh thủ các điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa các sản phẩm thế mạnh vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử và đô thị thông minh, đi đầu trong phát triển kinh tế số và kinh tế ban đêm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành cùng với các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật gây cản trở cho sự phát triển của địa phương. Từng địa phương phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí trong toàn bộ hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, điều hành; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020

Về một số nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, phát sinh, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Bên cạnh đó, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động nghiên cứu, rà soát, và tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Nghiên cứu xây dựng Đề án liên kết vùng để thúc đẩy liên kết thực chất giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư hạ tầng chung, tránh chồng chéo và cạnh tranh trong vùng; nghiên cứu Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối hoạt động cho vùng KTTĐ miền Trung đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính, xem xét xây dựng cơ chế điều phối mới trên một số lĩnh vực quan trọng; tổ chức phân công đầu tư sản xuất rõ ràng, không phát triển trùng lắp, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh; sản phẩm đầu vào của địa phương này là sản phẩm đầu ra của địa phương khác trong vùng và liên vùng.

Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư.

Khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về nguồn vốn cho vay các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất rừng ở Tây Nguyên, bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan.

Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, tạo liên kết vùng, kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển và hành lang vận tải quốc tế; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và thành phố Đà Nẵng xây dựng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 42/NQ-CP, số 84/NQ-CP; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chỉ thị số 11/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh để không xảy ra tình trạng trì trệ trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 của Văn phòng Chính phủ).

Áp dụng ngay từ ngày 15/8/2020 một số quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt); thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Return to top