ClockThứ Sáu, 11/03/2016 14:56

A Lưới - Điểm nhấn trên hành lang Đông -Tây

TTH - Phát huy truyền thống kiên cường trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc huyện miền núi A Lưới đã viết tiếp bản hùng ca trong công cuộc kiến thiết quê hương, từng bước xây dựng A Lưới trở thành “điểm nhấn” trên tuyến hành lang Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mê Kông.

A Lưới, nơi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, được chọn là một điểm nhấn trên hành lang kinh tế Đông - Tây

Đổi thay vùng sơn cước

Vượt qua những dốc đèo quanh co ẩn mình trong làn sương mờ, A Lưới hiện ra với sự rộn ràng của nhiều công trình đang được đầu tư xây dựng. Tại ngã ba Bốt Đỏ, các hạng mục thi công khu trung tâm thương mại rộng hơn 1ha đang chuyển động. Con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn từ xã Sơn Thủy đến thị trấn A Lưới, nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng kinh doanh các loại mọc lên san sát. Cách trung tâm thương mại Bốt Đỏ không xa, bến xe trung tâm huyện A Lưới có quy mô tiêu chuẩn loại II đã đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa đi qua hai cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng và Hồng Vân – Cô Tài trong tương lai. Từ khi hạ tầng đô thị phát triển, người ta đã đổ tiền vào A Lưới để xây dựng làm nơi kinh doanh bền vững. Tất cả đã khẳng định về sự đổi thay rõ rệt trên vùng đất sơn cước này.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi thông tin: “Trong những năm qua, A Lưới có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, đạt trên 13%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2010 – 2015) đạt gần 6.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 117 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu đề ra. Đáng mừng là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch tăng từ 11 đến hơn 17%...”.

Các nét văn hóa truyền thống được đồng bào A Lưới gìn giữ, phát huy

Từng là vùng đất nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất A Lưới và con người nơi đây đã ghi nên bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Các địa danh được ghi dấu như: cụm địa đạo Động So, Lam Sơn, Puúc, AĐoon, ABó, địa đạo Cốp, Tà Lương, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, các sân bay ASo, A Lưới, A Co… đã tạo điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng. Cùng với đó, A Lưới còn là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô – Tà Ôi – Ka Tu – Pa Hy – Vân Kiều và Kinh. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Với tiềm năng và lợi thế của mình, A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (thực hiện từ nay đến năm 2020). Sự tác động của du lịch, thương mại đã có tác dụng kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công nghiệp và du lịch phát triển trở thành điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển các ngành nghề tại A Lưới. Ở trung tâm huyện lỵ, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại phát triển khá mạnh, nhất là dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... Hệ thống các điểm phân phối hàng hóa bán lẻ cũng được phát triển rộng khắp. Kinh tế tăng trưởng ổn định kéo theo tốc độ đầu tư tăng nhanh, huyện đã tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị theo tiêu chí đô thị loại 4 của tỉnh.

A Lưới sẽ còn sôi động

Đưa chúng tôi đến thăm các địa điểm mở rộng không gian đô thị đến năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: Huyện đã xây dựng phương án thực hiện tạo sự kết nối hài hòa giữa A Co – Bốt Đỏ và thị trấn A Lưới hiện tại. Đồng thời, quy hoạch phân vùng chức năng như xây dựng cụm CN-TTCN, khu dân cư, khu hành chính, khu di tích, văn hóa và các khu dịch vụ thương mại. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị A Lưới mở rộng, trong giai đoạn từ nay đến 2020, các dự án được ưu tiên đầu tư là xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng xã hội, các khu thương mại dịch vụ, các cụm CN-TTCN gắn với các dự án khai thác du lịch của huyện A Lưới...

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, A Lưới phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên 15%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 33-35 triệu đồng. Huyện tập trung nâng cấp, mở rộng thị trấn A Lưới theo hướng đồng bộ, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ các lĩnh vực xã hội, hình thành một số thị tứ mới tại Hồng Vân, A Đớt. Phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ lên 24%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 22%/năm...

Từ một vùng đất nghèo miền sơn cước phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và của tỉnh, sau 40 năm xây dựng và phát triển, A Lưới đang đổi thay từng ngày. Đáng chú ý là các thành phần kinh tế tư nhân phát triển chiếm đến trên 60% tổng giá trị sản xuất của huyện. Năm 2015, nhiều chỉ tiêu quan trọng A Lưới đã thực hiện vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt đến năm 2030 với diện tích khoảng 10.184 ha. Trong đó, bao gồm các xã A Đớt, Hương Lâm và một phần của xã A Roàng. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp - đô thị và nông lâm nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng; đồng thời, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch vùng phía Tây của tỉnh.

Như vậy, cùng với các tuyến đường 74, 71 và QL 49A đang được đầu tư, nâng cấp mở rộng, tất cả sẽ trở thành động lực rất lớn giúp A Lưới hội đủ điều kiện phát huy tiềm năng thế mạnh của mình. Lúc đó, A Lưới sẽ sôi động với vai trò là một trong các đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mê Kông. Bí thư Huyện ủy A Lưới Hồ Xuân Trăng nói rằng: Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, A Lưới đang phát huy nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo việc khai thác hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh và các khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực vệ tinh, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch. Tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các khu vực chiến lược để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp và trở thành một vùng đất năng động của tỉnh.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn

Sáng 18/12, Công an huyện A Lưới cho biết, đang phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh điều tra làm rõ vụ tai nạn lật xe đầu kéo trên đeo A Co (huyện A Lưới) khiến tài xế tử nạn.

Lật xe đầu kéo, tài xế tử nạn
Cảm hứng sống xanh từ A Lưới

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại huyện A Lưới đã tạo ra những thay đổi lớn, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và mang lại diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao.

Cảm hứng sống xanh từ A Lưới
Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

Với mô hình Đoàn cơ sở “3 chủ động”, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện A Lưới đã tạo chuyển biến tích cực trong phong trào đoàn, cũng như công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới
Return to top