Hệ thống băng chuyền vươn xa ảnh hưởng đến mỹ quan và giao thông dọc sông Hương
Chưa tuân thủ quy định
Dọc tuyến sông Bồ đi qua xã Phong Hiền, nhiều BTKCS liền kề nhô ra ven sông, trong đó có 2 bãi nằm ngoài quy hoạch. Hoạt động mua bán, vận chuyển ở đây rất sôi động, xe tải nối đuôi nhau chở cát.
Hầu như các BTKCS đều không có tường rào che chắn, không có hệ thống xử lý chất thải. Băng chuyền dài hàng chục mét vươn ra sông vừa mất mỹ quan vừa không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Trong khi, quy định ban hành kèm theo Quyết định 936/QĐ-UBND ngày 29/2/2012 của UBND tỉnh, các BTKCS phải xây dựng hệ thống tường kiên cố cao 1,5-2,5m, cổng phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh, có ghi rõ tên cửa hàng, tên doanh nghiệp hoặc tên hộ…
Một người dân sống gần BTKCS nói: "Tiếng máy móc, xe cộ lưu thông nhiều khiến đời sống người dân, đường giao thông bị ảnh hưởng. Các cuộc họp cử tri, chúng tôi đều đưa vấn đề này ra kiến nghị nhưng tình hình không mấy cải thiện".
Một số bãi không xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ (Ảnh chụp tại Hương Thọ, Hương Trà)
Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng về công tác quản lý BTKCS theo quy hoạch, huyện Phong Điền còn 7 BTKCS không theo quy hoạch dọc sông Bồ. Trong đó, xã Phong Sơn 3 bãi; Phong An 2 bãi; Phong Hiền 2 bãi, một số bãi nằm trên vị trí đất do UBND xã quản lý.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thông tin, hiện toàn tỉnh có 28 BTKCS không theo quy hoạch, việc quản lý sử dụng bến bãi còn nhiều bất cập, các địa phương chưa chú trọng hướng dẫn các chủ bãi lập các thủ tục theo Quyết định 936 của UBND tỉnh. Nhiều bãi hoạt động trong thời gian dài nhưng địa phương không có chế tài xử lý. Các địa phương có nhu cầu bãi cao nhưng đưa vào quy hoạch ít làm phát sinh các bãi trái phép ngoài quy hoạch: TP. Huế 8 bãi; Hương Trà 3 bãi; Hương Thủy 6 bãi; Phong Điền 7 bãi; Phú Vang 3 bãi.
Chỉ cho phép mỗi địa phương một bãi?
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng về thực hiện quản lý BTKCS, UBND huyện Phong Điền đề nghị, tỉnh cần rà soát, khảo sát lại quy hoạch chỉ cho phép 1 địa phương 1 bãi để kiểm soát được nguồn tài nguyên, bổ sung các quy định về trọng tải, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng tại các BTKCS tránh hư hỏng đường giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường (xã Phong Hiền). Duy trì 1 bãi tại Cổ Bi 2, các bãi còn lại đề nghị xem xét kiểm tra xử lý triệt để vì các bãi này chủ yếu tiêu thụ cát sỏi trái phép (xã Phong Sơn).
Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, BTK muốn được bổ sung vào quy hoạch cần đảm bảo tuân thủ Điều 26 Luật Đê điều, nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, cầu cống, công trình đường dây điện lực; có khả năng kết nối hệ thống đường giao thông vào bãi thuận tiện; thuận lợi trong việc vận chuyển từ dưới lòng sông lên bãi. Các bãi không nằm trong phạm vi du lịch, di tích dọc sông Hương, đảm bảo vấn đề mỹ quan.
|
Đại diện UBND thị xã Hương Thủy đề xuất nên tiến hành cắm biển dừng đỗ phương tiện chở cát trên sông dọc các vị trí không được phép cấp phép. Cảnh sát đường thủy cần tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp vi phạm trên toàn tỉnh. Riêng khu vực cầu Bối (Thủy Bằng) do tiếp giáp với địa bàn thành phố nên việc xử lý vi phạm các bãi này rất khó khăn, cần có sự phối hợp trong xử lý triệt để giải tỏa các BTKCS.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho hay: Hoạt động của các BTKCS trên địa bàn cả ngày lẫn đêm, tiếng máy nổ ồn ào, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân quanh BTKCS. Việc tập kết chủ yếu vào ban đêm gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, do nhu cầu cần mở BTKCS để kinh doanh phát triển kinh tế gia đình nên nhiều BTKCS hình thành theo dạng tự phát, trái phép gây khó khăn trong việc quản lý.
Hầu hết các BTKCS chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho thuê đất hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh; chưa có giấy xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường. Các xe vận chuyển cát, sỏi quá trọng tải lưu thông gây hư hỏng nhiều tuyến đường, làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới môi trường cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc quản lý hoạt động của các BTKCS thuộc thẩm quyền các huyện, thị, thành phố nên UBND các huyện, thị, thành phố cần kiểm tra toàn diện các bến, bãi kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn; kiên quyết xử lý những bến, bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh trong việc quản lý, khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi lòng sông nói riêng; xử lý nghiêm các tụ điểm khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát lại các bến bãi trên địa bàn từ đó đánh giá nhu cầu sử dụng, bãi nào nằm trong quy hoạch nhưng không hoạt động thì đưa ra, bãi nào phù hợp với quy hoạch thì lập hồ trơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa vào quy hoạch để thuận tiện trong quản lý.
Bài, ảnh: Hoàng Loan