Tuyến đầu đèo Phú Gia (hướng từ Nam ra Bắc) còn một đoạn ngắn dưới chân đường dẫn lên đèo chưa được thảm nhựa
Có nơi chưa được thảm nhựa
Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, đèo Phước Tượng - Phú Gia thuộc tuyến Quốc lộ 1 là nơi lưu thông thường xuyên của một số phương tiện cấm đi đường hầm và khách du lịch thập phương muốn trải nghiệm trên cung đường này.
Tuy nhiên, tại khu vực đầu đèo Phú Gia (hướng từ Nam ra Bắc) đi qua địa bàn thị trấn Lăng Cô vẫn còn một đoạn đường ngắn chưa được thảm nhựa, mặt đường lởm chởm đá.
Tại điểm cuối đèo Phước Tượng (hướng từ Nam ra Bắc) thuộc địa bàn xã Lộc Tiến, các đảo giao thông ở đây không được bố trí vạch màu phản quang gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông vào ban đêm.
Trên hai cung đường đèo Phước Tượng- Phú Gia xuất hiện một số điểm sạt lở, đất đá tràn ra lấp mương chảy nơi taluy dương. Trên cung đường đèo Phước Tượng nhiều ngày nay, các phương tiện lưu thông “chững” lại do một vệt dầu đen kéo dài. Vết dầu loang giữa lòng đường kéo dài khoảng 400m, bề ngang có nơi rộng đến 0,5m, có đoạn lan sang bên phải đường (hướng từ Lăng Cô lên Huế).
Vết dầu loang thấm xuống mặt đường tạo vệt đen dài có thể do các phương tiện khi lưu thông qua đèo để lại. Trong khoảng 400m, vết dầu xuất hiện dày đặc đoạn đổ xuống đèo Phước Tượng (độ dốc của đèo khoảng 7%), khiến các phương tiện lưu thông qua đoạn này gặp đoạn đổ đèo, cua khá gấp nên rất nguy hiểm.
Để hạn chế trơn trượt, gây tai nạn giao thông, Hạt Quản lý đường bộ Lăng Cô đã cho rải cát chờ thấm đoạn đường bị vết dầu loang.
Ông Lê Quốc Phòng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý đường bộ 2, Bộ GTVT) cho biết, sau khi nhận được thông tin, chi cục đã yêu cầu đơn vị quản lý đường bộ rải cát thấm lớp dầu; sau khi thấm khô dầu sẽ quét lớp cát này đi, trả lại nguyên trạng mặt đường.
Bị “bỏ rơi”
Đèo Phước Tượng và Phú Gia là cung đường đèo khá hiểm trở với mặt đường đèo hẹp, nhiều đoạn cua gấp, độ dốc dọc siêu cao. Trước đây, mỗi khi có sự cố, các phương tiện lưu thông qua đèo thường xảy ra ùn tắc kéo dài. Từ khi đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng và Phú Gia (năm 2016), tình trạng mất ATGT, kẹt xe giảm đáng kể.
|
Theo Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT, đơn vị chỉ thực hiện quản lý vận hành hầm và hai tuyến đường dẫn vào hầm (tính từ nút giao với đường lên các đèo). Do vậy, phạm vi đoạn tuyến dẫn lên hai đèo này không thuộc trách nhiệm quản lý của công ty.
“Các hợp đồng quản lý tuyến đường đèo thuộc Quốc lộ 1 đều được Cục Quản lý đường bộ 2 tổ chức đấu thầu hàng năm nên trách nhiệm thuộc bên đó”, một vị đại diện công ty cho biết.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.6 thông tin, riêng tuyến đèo Phước Tượng- Phú Gia từ năm 2016 đã được thảm lại bằng bê tông nhựa và bổ sung các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) như gương cầu lồi, biển cảnh báo, vạch sơn.
Mới đây, để đảm bảo ATGT trên đèo Phú Gia, tại Km884+Km980 đến Km885+020 (đoạn có vực sâu) đã được đơn vị bảo trì đường bộ lắp đặt các hộ lan dài 40m đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Các điểm sạt lở trên đèo sẽ được Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế xử lý trong những ngày tới.
Theo ông Linh, riêng các vị trí điểm nối tiếp dưới chân các đèo - ngay các đảo giao thông-không thuộc trách nhiệm của chi cục mà thuộc phạm vi quản lý của Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia.
Cụ thể, tại đoạn tiếp nối phía Nam đèo Phú Gia còn một đoạn đường chưa thảm nguyên do vướng công tác giải phóng mặt bằng; tại đảo giao thông phía Bắc đèo Phước Tượng cũng thuộc phạm vi của Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, bởi trước đây đường dẫn lên đèo không nằm ở khu vực đó.
Bài, ảnh: Hà Nguyên