ClockChủ Nhật, 11/06/2017 06:21
THI CÔNG ĐƯỜNG CÔNG VỤ LÀM CẦU HẢI VÂN GÂY SẠT LỞ, BỒI LẮNG:

Cam kết lắp cống, xẻ dòng khi mưa lớn

TTH - Những ngày gần đây, người dân làng An Cư Đông 2 (Lăng Cô, Phú Lộc) bức xúc, lo lắng khi việc thi công xây dựng đường công vụ phục vụ làm cầu Hải Vân, thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư) gây sạt lở, bồi lắng, ảnh hưởng làng mạc và nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân nhìn từ thôn Hải Vân

Người dân lo lắng

Để xây dựng cầu Hải Vân, đơn vị thi công là Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân- Hamadeco đã xây dựng một con đường công vụ bằng đá và rọ đá chắn một phần đầm Lăng Cô nhằm tập kết, vận chuyển vật liệu. Từ phía bắc đèo Hải Vân thuộc thôn Hải Vân, con đường công vụ đi ra giữa đầm dài chừng 200m, rộng từ 7-10m, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, bồi lắng.

Bà Trương Thị Hoài, người dân làng An Cư Đông 2  cho hay: “Nhiều năm trước, khi xây cầu dẫn vào hầm phía bắc Hải Vân, đơn vị thi công làm đường công vụ bằng đất, đóng xà cừ, họ cam kết sẽ tháo dỡ khi công trình hoàn thành. Khi xong, họ chỉ cho đất ra hai bên gây tắc nghẽn dòng chảy. Bây giờ làm đường công vụ, họ xây bằng đá, bê tông không có cống thoát. Nước bị dồn trước mặt làng, chảy xiết gây sạt lở”.

 Đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân trên đầm Lăng Cô

Theo người dân, từ ngày xây đường công vụ, phần mặt nước phía bên làng An Cư Đông 2 chảy “năng” hơn gây va đập tàu thuyền, lồng cá, xói lở và bồi lắng nhiều đoạn bờ cát ven làng. Người dân dùng đá chèn dây neo đậu tàu thuyền nhưng đều bị nước giằng, phá.

Tại hiện trường, trên đầm Lăng Cô, phần mặt nền đường cũ trước đây do Công ty Cầu 7 Thăng Long làm khi thi công cầu dẫn vào hầm phía bắc Hải Vân vẫn còn, nằm lấp xấp dưới mặt nước. Người dân cho biết, trước đây khu vực này nước sâu 2m, bây giờ chỉ còn chưa đến 0,5m. Đường công vụ mới hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, được đơn vị thi công làm bằng đá kiên cố hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng làng An Cư Đông 2 cho biết, làng có 700 hộ dân, trong đó có 300 hộ chuyên làm nghề khai thác, NTTS trên đầm phá với nhiều tàu thuyền công suất nhỏ thường xuyên neo đậu ở đầm Lăng Cô. “Từ nhiều đời nay, chưa khi mô thấy nước chảy mạnh, sạt lở nhiều như thế này. Ở đây nước thông từ đầm phá ra có từ 9 con khe. Từ khi xây đường công vụ chắn đầm, nước ròng, nước rặt thay đổi liên tục, làm ảnh hưởng NTTS, bồi lắng và sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng đến môi sinh, nguồn cá nuôi sống làng”, ông Hoàng nói.

Sẽ tìm phương án tối ưu nhất

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016, gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến đưa vào sử dụng toàn tuyến vào cuối năm 2020.

Những ngày qua, người dân làng An Cư Đông 2 ̃ nhiều lần đến công trường, ngăn cản đơn vị thi công. Chủ đầu tư đã cho ngừng thi công đường công vụ. “Công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế, người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà con là trả lại nguyên trạng ban đầu, kể cả phải tháo bỏ, hoàn trả mặt bằng đường công vụ bằng đất trước đây, để chúng tôi ổn định cuộc sống”, ông Hồ Văn Đông, một người dân địa phương kiến nghị.

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, trước phản ứng của người dân, chính quyền thị trấn đã mời ban quản lý dự án, đơn vị thi công, đại diện các tổ dân phố, trưởng làng An Cư Đông 2 cùng làm việc để tìm phương án giải quyết kiến nghị của người dân. Phía ban quản lý dự án đã đưa ra cam kết lắp đặt 5 cống với đường kính 1m, cách cao độ mặt đường 1m nhằm giảm áp lực, thông dòng chảy, giảm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân làng An Cư Đông 2. Sau khi xong công trình, đơn vị thi công sẽ thanh thải đường công vụ, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu đúng tiến độ”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay, vấn đề người dân phản ánh ảnh hưởng khi thi công đường công vụ, thời điểm hiện tại đang là mùa khô nên cơ bản chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân, chỉ lo nhất là trong mùa mưa bão.

“Phía ban quản lý dự án đã có cam kết thời gian tới sẽ cho lắp cống hoặc xẻ dòng khi mưa lớn cho nước chảy. Sắp đến chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư, UBND thị trấn Lăng Cô và cần thiết sẽ đối thoại trực tiếp với người dân để tìm phương án tối ưu nhất. Đây là công trình quốc gia, mọi thay đổi thiết kế phải trình Chính phủ; vì vậy không thể một sớm một chiều đáp ứng theo yêu cầu người dân được”, ông Mạnh khẳng định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Nguy cơ sạt lở tại công trình Tỉnh lộ 15 rất cao

Thực trạng trên là điều mà chúng tôi ghi nhận vào trưa 19/9 tại công trình nâng cấp Tỉnh lộ (TL) 15 (TX. Hương Thuỷ), là thời điểm nhiều địa phương trong tỉnh đang phòng chống cơn bão số 4 ở khu vực miền Trung.

Nguy cơ sạt lở tại công trình Tỉnh lộ 15 rất cao
Cảnh báo lũ quét, sạt lở tại 9 tỉnh, thành phố ở Trung Bộ và Kon Tum

Dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo trong những giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các khu vực trên.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở tại 9 tỉnh, thành phố ở Trung Bộ và Kon Tum

TIN MỚI

Return to top