ClockThứ Ba, 19/11/2019 11:39

Cao tốc La Sơn - Túy Loan: "Con tàu" vượt núi

TTH.VN - Sau bao ngày “vượt núi xẻ đồi”, tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan đoạn đi qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành.
 

 

Từ ngã ba nối đường La Sơn - Nam Đông thuộc huyện Nam Đông, tuyến La Sơn - Túy Loan như “con tàu” vượt núi với các hạng mục cơ bản đã thi công hoàn thiện, nền đường trải thảm phẳng lì xuyên qua khu rừng thông, rừng kinh tế của người dân.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đánh giá, cao tốc La Sơn- Túy Loan là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung, Nam Đông nói riêng. Cũng như tuyến La Sơn - Nam Đông, tuyến La Sơn - Túy Loan, ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án, được chính quyền quyết liệt triển khai, xem như nhiệm vụ hàng đầu phải hoàn thành của địa phương.

Giờ đây, ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông vẫn còn nhớ như in những con số mà địa phương phải thường xuyên làm việc với chủ đầu tư: Đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đi qua địa bàn ảnh hưởng 562 hộ dân, với hơn 100 ha đất các loại bị ảnh hưởng thu hồi. Trong đó, có 41 hộ phải tái định cư thuộc các địa bàn xã Hương Lộc, Hương Phú và thị trấn Khe Tre, đã được đền bù nhà ở và bố trí đất nền tái định cư. Đến nay, số diện tích đất bị thu hồi đã được chủ đầu tư dự án đền bù và các hộ tái định cư đã ổn định cuộc sống.

Với khối lượng đào đắp lớn, công trình đi xuyên núi đồi, vừa mở đường vừa thi công, vượt bao khó khăn công trình mới có hình hài như ngày hôm nay

Theo ông Phúc, chủ đầu tư dự án cũng đã hoàn thiện các đường dân sinh, hầm chui ngang phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn các xã, trong đó có một bộ phận lớn trồng rừng kinh tế.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin, đến thời điểm hiện tại, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành gần 100% khối lượng xây lắp nhằm đảm bảo mục tiêu thông xe vào cuối năm 2019, góp phần kết nối giao thông toàn tuyến nhánh Đông đường Hồ Chí Minh, kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

 

 

Hoàn thiện các công đoạn cuối cùng

Ông Quý nhớ lại, trong quá trình thi công, các nhà thầu cũng gặp không ít khó khăn do khối lượng đào đắp lớn, thời tiết ở Thừa Thiên Huế khắc nghiệt, mưa nhiều và các hạng mục phải đi qua nhiều vùng có địa chất phức tạp.

“Dự án đi qua địa hình núi, phải đào sâu đắp cao địa chất phức tạp, đất yếu và nước ngầm dẫn tới phải xử lý kỹ thuật nhiều; đường mở mới nên hệ thống đường công vụ phục vụ thi công chỉ làm tạm, do đó các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và tổ chức thi công”, ông Quý chia sẻ.

Các đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như vạch kẻ đường, biển báo và các thiết chế an toàn giao thông trên tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan

 

Cụ thể, một số vị trí cục bộ như đồi Km25, đoạn suối cầu Mụ Em 3, gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đảm nhận thi công, có địa chất phức tạp, sạt trượt nhiều lần phải thay đổi phương án kỹ thuật thi công và tìm giải pháp thiết kế mới để đảm bảo tính lâu dài cho công trình. Một số vị trí trên tuyến như Km31, Km32 cũng có địa chất phức tạp với nhiều đá cấp 4 phong hóa có cường độ nứt nẻ mạnh khi gặp mưa gây sụt lở, dẫn đến phải xử lý kỹ thuật bằng giải pháp ngã mái và bền vững bề mặt mái ta luy.

Một trong những “dấu ấn” của các đơn vị thi công trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan là hạng mục hầm Mũi Trâu - một trong nhưng hầm đường bộ hiện đại bậc nhất Việt Nam. Hầm Mũi Trâu nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để thông xe trong thời gian tới. Hầm Mũi Trâu có tổng giá trị xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng, công trình gồm 2 ống hầm chạy song song (mỗi ống dài 1,3km) được khởi công tháng 10/2015 do liên doanh hai đơn vị là Công ty CP Sông Đà 10 và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đảm nhiệm thi công.

Ông Hồ Ngọc An, Điều hành Dự án gói thầu XL13 (Hầm Mũi Trâu) - Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hạng mục công trình hầm Mũi Trâu đang thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy trong hầm. Theo đó, mỗi ống hầm còn được bố trí 1.300 đầu báo cháy, cảm biến nhiệt để báo cháy khi có sự cố. Cùng song song với đó là hệ thống điện chiếu sáng và thông gió cơ bản đã thi công xong. Trong hầm được trang bị cảm biến đo gió, các cảm biến này điều chỉnh tốc độ quay của cánh quạt. Nhằm tránh thay đổi ánh sáng đột ngột, gây tai nạn, hầm được bố trí đầy đủ các loại đèn led công suất lớn, cân bằng ánh sáng trong và ngoài hầm.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Trưởng phòng Điều hành DA 4, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay đoạn Km0-Km66 còn vướng 12 vị trí mương dẫn, 10 vị trí đường gom kết nối dân sinh, mương thủy lợi, theo đề nghị của địa phương, Ban GPMB đã vận động và chi trả lần 3 có 20/70 hộ nhận. Tại đoạn tuyến này cũng xuất hiện 3 vị trí sụt trượt phát sinh nhưng chưa có mặt bằng thi công. Phấn đấu hoàn thành các hạng mục chính của dự án đoạn từ Km0-Km66 vào cuối quý III năm 2019. Riêng đoạn Km66 - Km77 cuối quý III năm 2020.

Ông Nguyễn Vũ Qúy khẳng định, nhằm đảm bảo kế hoạch Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị tham gia thi công tại dự án gấp rút hoàn thiện các hạng mục trên công trường. Đến nay, đường La Sơn- Túy Loan cơ bản hoàn thiện xong các hạng mục chính như nền, móng, mặt đường và các công trình cầu cống. Tuy nhiên, còn một số hạng mục phụ trợ, bổ sung phát sinh, hệ thống đường gom dân sinh, mương dẫn dòng dọc tuyến chưa có mặt bằng để triển khai. Ban đang tích cực phối hợp với địa phương để bàn giao mặt bằng.

Một trong những “dấu ấn” của các đơn vị thi công trên tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan là hạng mục hầm Mũi Trâu- một trong nhưng hầm đường bộ hiện đại bậc nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Khánh chia sẻ, trong quá trình thi công hầm Mũi Trâu, ban quản lý dự án cũng như đơn vị thi công đã có những sáng kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Thông thường, đối với ống hầm 1, thi công 2 mũi Bắc - Nam rồi hợp long. Để đẩy nhanh tiến độ, hầm 2 khi triển khai thi công các đơn vị thi công đã sử dụng 3 ngách (2 ngách đi bộ và 1 ngách cơ giới) thông nhau giữa hai hầm và mỗi ngách bố trí 2 mũi khoan “đánh” ra hai bên. Với việc thi công sáng tạo này đã rút ngắn thời gian thi công hầm 2 bằng ½ thời gian thi công hầm bên cạnh”, ông Khánh thông tin.

 

Điểm đầu của tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan tại Km0+00 trùng với điểm cuối đường dự án Cam Lộ - La Sơn. Sau khi hoàn thành, cùng với cao tốc Cam Lộ- La Sơn, sẽ hình thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1A, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.

Trong quá trình thi công cũng gặp những khó khăn về lớp địa chất bất thường như những túi bùn, túi nước địa chất yếu làm chậm tiến độ, các đơn vị thi công phải khắc phục. Đào hầm theo NATM là phương pháp tân tiến của Áo, đào đến đâu, lắp đặt thiết bị chống đỡ, dựng vì phù hợp đến đó.

Theo Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh, một số điểm trên tuyến xuất đường La Sơn - Túy Loan xuất hiện sạt trượt. Đến nay đơn vị tư vấn đã thiết kế các giải pháp khắc phục và được Bộ GTVT chấp thuận. Tuy nhiên có một số vị trí địa chất phức tạp chưa thể thiết kế phương án gia cố triệt để ngay được nên sẽ phải theo dõi tiếp trong quá trình khai thác sau đó sẽ thiết kế bền vững.

Nội dung: Khánh Đăng

Hình ảnh: Hà Nguyên

Thiết kế: Hương Trà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam
Return to top