* Với dự án trên, mục tiêu tỉnh hướng đến là gì? Các ông nghĩ gì về dự án này?
Ông Phan Thiên Định
Ông Phan Thiên Định: Đường Lê Lợi được xác định là khu vực có giá trị để thúc đẩy du lịch Huế phát triển. Vì vậy, tỉnh đã quy hoạch theo hướng sẽ di chuyển tất cả các trụ sở của các cơ quan hành chính Nhà nước trên trục đường này để nhường lại những vị trí đắc địa cho phát triển dịch vụ du lịch.
Tỉnh đã có chủ trương quy hoạch đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, theo hướng hình thành khu phố bảo tàng và mở rộng không gian ở khu vực này làm quảng trường. Khi chúng ta hy vọng phát triển khu phố bảo tàng thì phải gắn với những dịch vụ tương đồng. Khu vực được giới hạn bởi đường Lê Lợi, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định và Hoàng Hoa Thám sẽ quy hoạch để phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp. Nhà 26 Lê Lợi nằm trong khu vực quy hoạch này. Với dự án này, tỉnh đưa ra mục tiêu sẽ là du lịch dịch vụ cao cấp, cái mà Huế đang thiếu.
Ông Lê Toàn Thắng: Hiện nay, định hướng khu vực dọc theo đường Lê Lợi (từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân) được xác định là không gian văn hóa, nghệ thuật, là khu vực điểm nhấn về không gian đô thị, phát huy các giá trị về văn hóa nghệ thuật, điểm đến cho du khách và người dân địa phương. Khu vực này sẽ khai thác triệt để các không gian hiện có, kết hợp không gian đi bộ, triển khai dự án cầu đi bộ trên sông Hương do Koica tài trợ, quản lý nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kiến trúc đô thị.
Để nâng cao giá trị của tuyến phố, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, làm sống dậy khu vực này về đêm, việc kết hợp giữa yếu tố văn hóa nghệ thuật và thương mại dịch vụ là rất cần thiết. Ý tưởng đề xuất này cũng được các kiến trúc sư Hàn Quốc nghiên cứu, đề xuất trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mà tỉnh đã lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc: Gắn với ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành khu phố du lịch gắn với bảo tàng và các thiết chế văn học nghệ thuật, tỉnh đã chuyển Nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị về cạnh Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng; bố trí kinh phí mua tranh chuẩn bị thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế… Tôi thấy chủ trương thu hồi khu đất để chuyển đổi mục đích cho đầu tư phát triển là hợp lý, bởi sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ.
* Điều nhiều văn nghệ sĩ quan tâm là liệu dự án này ảnh hưởng đến ngôi nhà 26 Lê Lợi - trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT hiện nay như thế nào? Liệu Liên hiệp các Hội VHNT có phải di chuyển?
Ông Phan Thiên Định: Hiện quy hoạch cuối cùng vẫn chưa được duyệt, chưa có phương án quy hoạch chi tiết. Tỉnh mới chỉ cho các doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất ý tưởng đầu tư. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng sẽ xem xét và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Liên hiệp các Hội VHNT, thảo luận khoa học, công khai những định hướng liên quan để hoàn chỉnh phương án quy hoạch chi tiết ở khu vực này. Để lựa chọn nhà đầu tư sẽ còn phải qua rất nhiều thủ tục liên quan.
Khu nhà này nằm trong diện rà soát các kiến trúc biệt thự Pháp cũ, chờ sự đánh giá một cách khoa học của các chuyên gia về giá trị kiến trúc, sau đó đưa ra thẩm định để cân nhắc các phương án. Tỉnh vẫn chưa quyết định phương án cuối cùng. Nếu di dời trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT, tỉnh sẽ cùng với Liên hiệp các Hội VHNT tìm kiếm trong quỹ nhà đất đang còn những vị trí xứng đáng với giá trị của tổ chức này, làm sao để cái sau tốt hơn trước.
Ông Lê Toàn Thắng
Ông Lê Toàn Thắng: Tỉnh đã có chủ trương từng bước di chuyển liên hiệp các Hội VHNT về địa điểm khác để có những định hướng tổng thể nghiên cứu về khu vực này. Các nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư và khai thác phù hợp, trên cơ sở định hướng thành khu thương mại, dịch vụ, khách sạn.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc: Văn phòng của Liên hiệp Hội sẵn sàng chuyển đến nơi khác làm việc. Trước đây, giới văn nghệ sĩ Huế cũng đã đề xuất xây dựng tòa nhà cao tầng ở khu vực tạp chí Sông Hương hiện nay để cả Liên hiệp Hội, 8 hội chuyên ngành VHNT và tạp chí Sông Hương hoạt động.
* Ngôi nhà 26 Lê Lợi là địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ ở Huế. Giữa việc vừa đầu tư khu dịch vụ phục vụ phát triển du lịch, vừa thỏa nguyện mong muốn của văn nghệ sĩ liệu có thể hài hòa?
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc: Ngôi nhà 26 Lê Lợi theo tôi cần được giữ lại theo hướng bảo tồn thích nghi. Thứ nhất, nó là một công trình kiến trúc có giá trị; thứ hai, nó chứa bên trong cái hồn của văn nghệ Huế. Trụ sở hội là di sản trong lĩnh vực văn học nghệ thuật không chỉ Huế mà còn cả nước, gắn bó với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lớn, là dấu ấn di sản vật thể còn lại của văn học nghệ thuật Huế. Sau 1975, ngôi nhà này là nơi lui tới của các văn nghệ sĩ, như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Thanh Hải, Bửu Chỉ, Đinh Cường…; các nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng ở nước ngoài, các nhà thơ trên thế giới cũng đã từng đến giao lưu, sinh hoạt văn nghệ. Ngôi nhà đó trước đây cũng là trụ sở của tuần báo Sông Hương do cụ Phan Khôi tổ chức, đến năm 1983 cũng là nơi ra đời tạp chí Sông Hương.
Tỉnh nên gợi ý cho nhà đầu tư trùng tu giữ lại ngôi nhà (trong không gian văn hóa nghệ thuật của phố Lê Lợi) để phát huy kiến trúc và di sản văn hóa của một xứ sở được mệnh danh là “thành phố thi ca”. Có thể tại ngôi nhà này tổ chức du lịch dịch vụ cao cấp gắn với văn học nghệ thuật, như tổ chức trưng bày những kỷ vật liên quan đến những tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Vĩnh Phối, Hoàng Phủ Ngọc Tường…; tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa...
Ông Phan Thiên Định: Chúng tôi rất tôn trọng tình cảm của văn nghệ sĩ dành cho ngôi nhà này. Nhưng trong quá trình phát triển, phải có sự đánh đổi để lấy một giá trị tốt hơn cho tương lai. Đặt vấn đề, nếu giả sử như công trình mới trong khu vực này có một kiến trúc đẹp hơn rất nhiều thì chúng ta có nên đánh đổi hay không. Giữ hay không giữ ngôi nhà này không chỉ được nhìn nhận ở góc độ hiện tại mà 30-50 năm nữa nhìn lại nó sẽ đóng vai trò gì trong tổng thể khu vực này. Bảo tồn giá trị nhưng phải theo nhịp của thời đại thì sự bảo tồn ấy mới có giá trị.
Có nhiều cách để giữ lại các giá trị của một tổ chức liên quan đến vị trí này chứ không phải chỉ có cách duy nhất là giữ lại ngôi nhà. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một không gian khác ở khu vực đó hoặc khu vực lân cận. Hoặc, có thể đặt hàng cho nhà đầu tư, trong khu phức hợp dành một khoảng không gian để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lưu giữ lại dấu ấn của một trụ sở vốn là nơi được giới văn nghệ sĩ yêu mến...
Ông Lê Toàn Thắng: Có cần thiết bảo tồn công trình này hay không thì phải có những bước đánh giá căn cứ vào giá trị nghệ thuật kiến trúc, chất lượng hiện nay của công trình này. Quan điểm của Sở Xây dựng vẫn biết đây là công trình gắn bó với anh chị em văn nghệ sĩ, việc cân nhắc giữa yếu tố bảo tồn và phát triển là cần thiết nhưng phải dựa trên cơ sở hài hòa với xu thế phát triển chung.
Tổng quy mô khu đất giao cho nhà đầu tư nghiên cứu khoảng trên 6.000m2, trong đó diện tích phần đất của Liên hiệp các Hội VHNT khoảng 900m2. Nếu cắt ra khu đất này để bảo tồn thì cần tính toán phần đất còn lại có đáp ứng yêu cầu để nhà đầu tư khai thác có hiệu quả lợi thế của khu đất hay không? Nhất là trước yêu cầu quản lý nghiêm ngặt về tầng cao và mật độ xây dựng. Việc bảo tồn và phát triển là cần thiết nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc đến sự phát triển trong tương lai dựa trên các yếu tố: tổ chức không gian, hiệu quả đầu tư để hài hòa, nếu không sẽ rất khó tìm được nhà đầu tư để làm thay đổi tổng thể bộ mặt của khu vực này.
* Nói rộng hơn, với nhiều công trình kiến trúc Pháp khác còn trên đất Huế, nên làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị của các kiến trúc này để chúng trở thành một điểm nhấn của bài thơ đô thị Huế?
Ông Lê Toàn Thắng: Hệ thống công trình kiến trúc Pháp ở Huế còn tản mát ở nhiều nơi. Sở Xây dựng đã bước đầu rà soát tổng thể toàn bộ công trình kiến trúc Pháp, nhiều công trình có giá trị cần phải bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, trên trục đường Lê Lợi có một số công trình có giá trị: Ga Huế, Đại học Huế, Trường Quốc Học, Trường Hai Bà Trưng, Bảo tàng Văn hóa Huế, ngôi nhà 26 Lê Lợi...
Bên cạnh kiến trúc đình, chùa, miếu, mạo, hệ thống nhà rường, nhà cổ..., các công trình kiến trúc Pháp cũng tạo nên sự phong phú của di sản văn hóa Huế. Vì vậy, cần phải bảo tồn, gìn giữ là quan điểm xuyên suốt từ trước đến nay của tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc giữa yếu tố bảo tồn và phát triển. Và tất nhiên, để đánh giá, thẩm định cần có thời gian, quá trình.
Ông Phan Thiên Định: Khi đánh giá được giá trị của những công trình kiến trúc Pháp thì việc bảo tồn là cần thiết. Kiến trúc Pháp rất phù hợp với một số vị trí trong phạm vi đô thị Huế nên cần xem xét đến việc hoạch định một số khu vực phải làm theo kiến trúc Pháp khi xây dựng mới, để giá trị kiến trúc này phát triển hơn chứ không chỉ dừng lại ở những ngôi nhà hiện có.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc: Ngôi nhà 26 Lê Lợi nằm trong số những biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị di sản của Huế. Tuy nó đã quá 100 năm, hết hạn sử dụng song vẫn có thể trùng tu gia cường chịu lực để tiếp tục phục vụ cho du lịch, dịch vụ. Huế có nhiều di tích hàng trăm năm tuổi vẫn còn giữ được kiến trúc qua trùng tu.
* Cảm ơn các ông về cuộc trò chuyện!
MINH HIỀN (Thực hiện)