Gọi tên “thu giá” là đúng quy định
Theo ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), trước khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí và Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.
Trạm thu giá Nam Bình Định đặt trên quốc lộ 1A tại địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
“Mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí theo quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Thủ tục ban hành thông tư thu phí phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan và đến khi được ban hành phải chờ có hiệu lực khoảng 45 ngày”, ông Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá năm 2012, trong đó nêu rõ: Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.
Do vậy, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Mức giá từng dự án được Bộ GTVT - nhà đầu tư - doanh nghiệp thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư 35 khi chuyển sang cơ chế giá.
Bảng điện tử tại Trạm thu giá Nam Bình Định
Theo Luật Phí và Lệ phí, 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá (từ ngày 1/1/2017) gồm: Thủy lợi phí (chuyển thành: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi), phí sử dụng đường bộ (giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh), phí qua đò, qua phà (giá dịch vụ sử dụng đò, phà)...
Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua, khi mức thu dịch vụ đường bộ chuyển sang cơ chế giá đã tạo điều kiện để Bộ GTVT chủ động đàm phán với các nhà đầu tư trong việc miễn, giảm giá cho các loại phương tiện và người dân tại nơi có trạm thu giá BOT. Việc miễn, giảm giá được tiến hành ngay khi các bên ký hợp đồng thống nhất, mà không cần phải chờ thủ tục ban hành thông tư mới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vận tải lưu thông.
Không thay đổi bản chất thu tiền dịch vụ đường bộ
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, bản chất nhà đầu tư kinh doanh BOT thì phải có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước. Thu cao thì thời gian hoàn vốn ngắn, thu thấp thì thời gian hoàn vốn dài, tất cả cái này đều theo quy định của Nhà nước. Bộ GTVT giữ vai trò quản lý nhà nước thì điều tiết đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và các bên liên quan.
Chuyển từ thu phí sang thu giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy, nhưng Bộ GTVT sẽ điều chỉnh linh hoạt việc thu tiền dịch vụ đường bộ để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực, có những trạm sẽ phải giảm giá sâu.
Bộ GTVT đang tập trung hoàn thành dự án thu giá điện tử tự động không dừng tại tất cả các trạm thu giá trên toàn quốc, nhằm giám sát chặt chẽ, minh bạch nguồn thu cho ngân sách và người dân cũng có thể cùng giám sát.
Theo quy định tại Điểm e, khoản 2 Điều 8 của Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ GTVT gồm: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách trung ương.
Giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý.
Theo Báo Tin tức