ClockThứ Hai, 25/09/2017 15:26

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng khu đô thị An Vân Dương

TTH - Đây là giải pháp trọng tâm nhằm tạo bước chuyển trong bộ mặt đô thị mới phía đông nam.

Công tác giải phóng mặt bằng tại khu đô thị An Vân Dương gặp nhiều khó khăn

Kéo dài nhiều năm

Nằm trên địa bàn 3 huyện, thị, thành phố, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở khu đô thị An Vân Dương gặp không ít khó khăn. Nhiều dự án (DA) kéo dài từ năm này qua năm khác song vẫn chưa thể hoàn thành GPMB.

Theo ông Hoàng Tiến Minh, Trưởng Ban Quản lý khu vực Phát triển đô thị tỉnh (Ban), hiện trên địa bàn khu đô thị có 16 DA đang gặp khó khăn trong GPMB. Trong đó, địa bàn thành phố có 10 DA (8 DA do Ban làm chủ đầu tư (CĐT) và 2 DA của nhà đầu tư khác); thị xã Hương Thủy có 5 DA do Ban làm CĐT và 1 DA của CĐT khác; huyện Phú Vang có 1 DA.

Nhiều DA kéo dài nhiều năm như: DA tuyến đường 26m khu nhà ở An Đông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư TĐC1 thuộc khu A, khu nhà ở An Đông... Đơn cử như tại DA hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư TĐC1 được phê duyệt phương án bồi thường từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành GPMB. Hiện, DA đã triển khai thi công hoàn thành đầu tư hạ tầng trên phần đã bàn giao mặt bằng 2,2/3,6 ha. Phần còn lại vướng mặt bằng đất thổ cư và nhà cửa của 6 hộ chưa thể giải tỏa.

Trong đó, hộ ông Hồ Văn Ngật có tổng diện tích thu hồi là 3.657,6m2; bồi thường về đất ở 325m2, đất nông nghiệp liền kề đất ở là 2.100m2 và 1.024m2 đất nông nghiệp. UBND TP. Huế đã phê duyệt phương án bồi thường với giá trị hơn 1,2 tỷ đồng nhưng gia đình chưa thống nhất về giá đền bù và nhiều lần có đơn kiến nghị bố trí 7 lô đất tái định cư.

Ngoài khu đất trên, phần đất nghĩa địa của dòng họ Nguyễn Cửu với diện tích 2.219,3 m2 cũng chưa thể tiến hành GPMB. Riêng phần đất nhà thờ diện tích 3.304,3m2 thu hồi 1.058,9m2, họ Nguyễn Cửu nhiều lần kiến nghị điều chỉnh phạm vi thu hồi đất để có mặt bằng cho dòng họ sinh hoạt…. Trước khó khăn DA, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương chỉnh trang quy hoạch và giao cho Ban kiểm tra quy hoạch đề xuất phương án phù hợp.

Ưu tiên tái định cư tại chỗ

Theo ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, những vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù GPMB chủ yếu là do người dân được bồi thường đất thuộc diện quy hoạch với giá thấp nhưng phải mua đất tái định cư với giá cao.

Một số DA chưa có khu tái định cư hoặc chưa giải quyết tái định cư đã quyết định thu hồi đất ở. Những trường hợp bị thu hồi đất ở thì tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư. Giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị…

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho rằng, thực tế quá trình triển khai các DA, trở ngại trong quá trình lập phương án bồi thường GPMB là xác định nguồn gốc sử dụng đất của nhiều hộ dân. Giá đất đền bù, hỗ trợ để xây dựng các DA chưa sát với giá thị trường, còn nhiều bất cập, dẫn đến việc người dân khiếu kiện hoặc chậm bàn giao đất cho công trình.

Đề xuất giải pháp tạo thuận lợi trong công tác GPMB, ông Võ Lê Nhật khẳng định, tái định cư phải đi trước một bước, có như thế mới giảm thiểu những bế tắc về sau trong công tác đền bù.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế đưa ra ví dụ ở một số DA đã có quyết định thu hồi đất nhưng vẫn chưa thể trả lời cho người dân sẽ bố trí tái định cư ở đâu. Công tác kiểm đếm khi phê duyệt DA vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn. Một số DA số lượng hộ thực tế nhận đền bù cao gấp 2, thậm chí 3 lần so với số lượng kiểm đếm ban đầu khi mới lập DA. Điều này vô tình tạo nên một áp lực trong công tác đền bù GPMB về sau.

Tại cuộc họp giải quyết vướng mặt trong GPMB khu đô thị An Vân Dương do UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, phải tìm hiểu nguyên nhân cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất mới mong giải quyết được vấn đề. Trong khi thực hiện đền bù GPMB không nên cứng nhắc theo một chuẩn chung, vì mỗi DA đều có 1 cách xử lý riêng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, hiện cần ưu tiên xử lý dứt điểm các dự án gặp vướng mắc kéo dài. Để làm được điều này, các địa phương và sở ngành liên quan cần phối hợp chặc chẽ với Ban và các CĐT kịp thơi giải quyết các vướng mắc liên quan. Các địa phương cần coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các DA trên cùng địa bàn. Các khu tái định cư tập trung phải bảo đảm có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng và công khai.

Trong đó cần ưu tiên tái định cư tại chỗ giảm bớt xáo trộn trong đời sống cư dân.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu

3 tháng cuối năm 2024 là thời điểm tăng tốc nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, đặc biệt là việc phục vụ Đề án (ĐA) thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và Đề án thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nên TP. Huế đang đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA), ĐA nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu

TIN MỚI

Return to top