Ngày 31/10, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (gọi tắt Công ty Đèo Cả) cho biết, đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân (địa phận Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng).
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1
Theo Công ty Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 được Nhà nước đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2005. Từ 2005 đến tháng 11/2015, chi phí để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân được cấp từ ngân sách Nhà nước.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, để phục vụ công tác điều tiết giao thông, phục vụ thi công xây dựng mở rộng hầm Hải Vân 2, từ tháng 11/2015 Công ty Đèo Cả được Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ VN giao quản lý hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân bằng nguồn kinh phí của đơn vị.
Theo cam kết của Bộ GTVT, công ty sẽ được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ tháng 1/2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11/2015 đến tháng 1/2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, từ tháng 11/2015 đến hết năm 2016, nhà đầu tư đã ứng vốn 88 tỷ đồng để thực hiện. Đến nay, sau gần 3 năm, nhà đầu tư này đã ứng vốn cho công tác quản lý vận hành hầm và điều tiết giao thông trên 300 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Công ty Đèo Cả cho rằng, do tính chất quan trọng của hầm Hải Vân trong việc đảm bảo huyết mạch giao thông của tuyến QL1 từ Bắc vào Nam, đồng thời để tránh gây mất an toàn giao thông và gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, công ty đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm và tuyến đường; phối hợp và hỗ trợ công ty trong việc đảm bảo công tác điều tiết giao thông an toàn, thông suốt.
Hầm Hải Vân là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước
Như Báo Điện tử Thừa Thiên Huế đã thông tin, từ tháng 12/2016 đến nay, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) đã thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 (theo hợp đồng ký kết với Công ty Đèo Cả). Tuy nhiên, đến nay Công ty Đèo Cả mới thanh toán cho Hamadeco chi phí vận hành, quản lý hầm đến Quý I/2018.
Việc Công ty Đèo Cả chưa thanh toán chi phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1, đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động đơn vị này và dẫn đến việc nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện của điện lực Liên Chiểu.
Hamadeco cũng cho rằng, trong trường hợp nếu Công ty Đèo Cả không thanh toán chi phí quản lý, vận hành hầm sẽ dẫn đến việc không có kinh phí để trả tiền điện, lương công nhân… làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân thì phía đơn vị khai thác và quản lý không chịu trách nhiệm.
Tin, ảnh: Hà Nguyên