Đúng vào ngày giải phóng quê hương, công trình tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An chính thức được khởi công xây dựng.
Đường ven biển hoàn thiện tạo động lực cho cảng Chân Mây phát triển. Ảnh: MINH VĂN
Đáng lẽ, dự án quan trọng và thiết thân phải có từ lâu. Nhớ cách đây gần 40 năm, tôi có anh bạn nhà ở gần cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc). Ngày hè, nhóm bạn thân chúng tôi thường rủ nhau về thăm bạn, dạo núi Túy Vân và tắm biển Hàm Rồng. Từ Huế, chúng tôi đi xe đò về Đá Bạc, chờ đợi, rồi vượt đầm Cầu Hai qua Vinh Hiền. Hành trình đầy thơ mộng khi cả hàng tiếng đồng hồ được lênh đênh trên sông nước nhưng phiền toái và mất quá nhiều thời gian. Từ Huế xuống, chậm bước là lỡ một chuyến tàu, phải đợi lại cả buổi. Còn trở lại Huế hôm sau, buổi sáng phải ơi ới gọi nhau thức dậy từ lúc 4 giờ sáng cho kịp tàu. Mấy chục năm rồi mà tôi không quên mùi tanh của cá, tôm và tiếng người lao xao, rộn ràng trên những chuyến tàu vượt đầm Cầu Hai năm ấy. Lúc đó, tôi không hề biết rằng, ở bên kia phía biển cũng có một con đường có tên là Tỉnh lộ 68, nó kéo dài từ Thuận An tới Vinh Hiền. Thế nhưng, chẳng mấy ai “dại” đi bởi đó là con đường… cát, hoang sơ, ghập ghềnh và ẩn chứa nhiều hiểm họa.
Ngót nghét hơn 25 năm về trước, tôi cũng đã nhiều lần thử đi con đường lúc này đã được nâng cấp thành Quốc lộ 49B. Đi ô tô khổ mà đi xe máy hay xe đạp càng bở hơi tai. Ngồi trên chiếc U oát cải tiến mà chúng tôi có cảm giác cứ như đang… phi ngựa. Còn nữa, nhiều đoạn cát dày, không có cách nào khác, cả bọn phải cùng xúm lại hò dô… đẩy. Đi xe máy lại nhớ phải đèo nhau vì phải dắt bộ qua trảng cát cả mấy cây số. Còn xe đạp mà bấy giờ là chủ yếu thì chỉ cách vác xe. Bây giờ mỗi lần ngồi ô tô về khu Ba xưa theo ngã từ Thủy Phù (Hương Thủy) ra, tôi vẫn cố nhớ và hình dung về những đoạn đường lở xói năm xưa và cả những trảng cát rộng dài mà mình từng một thời chổng mông đẩy xe máy, ô tô hay vác xe đạp kia.
Đường Thủy Phù - Vinh Thanh vượt cầu Trường Hà sẽ kết nối các vùng miền với đường ven biển bắc nam của tỉnh. Ảnh: MINH VĂN
Sau năm 2000, nhiều cây cầu vượt phá Tam Giang và cả vượt biển nữa mang tính lịch sử được xây dựng cũng đồng nghĩa với việc các bến đò Vinh Xuân (Phú Vang) hay Tư Hiền (Phú Lộc) đi vào quá vãng. Năm 2003, khánh thành cầu Trường Hà. Năm 2007, đến lượt cầu Thuận An mới và Tư Hiền được đưa vào sử dụng. Gọi là cầu Thuận An mới bởi trước đó cũng đã có chiếc cầu được xây dựng từ năm 1990, nhưng đó chiếc cầu chỉ đủ cho một làn xe chạy (!). Không quên trong tôi là hình ảnh những cụ ông và cụ bà đôi bờ khăn đóng áo dài tha thẩn lên cầu, nét mặt rạng ngời trong ngày hợp long. Và rồi, có người nhiều đêm mừng quá đã không ngủ được. Họ bảo, đó là dấu ấn lịch sử, là nhịp cầu nối những bờ vui. Mà cũng thật xứng đáng khi được biết, như cầu Tư Hiền được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại được xem là công trình cầu lớn nhất miền Trung vào thời điểm khánh thành.
Những năm qua, thỉnh thoảng tôi vẫn thường có hành trình trên tuyến đường 49B, từ Thuận An về các xã khu Ba. Vẫn còn đó những cung đường nhỏ chật hẹp, nhiều ghập ghềnh và xuống cấp nhưng là một cảm giác vui khi được thông tuyến. Ngược ra phía bắc, niềm vui không trọn vẹn khi mà Quốc lộ 49B bị ngăn cách bởi… cửa biển Thuận An. Cho đến trước năm 2010, người dân Hải Dương nằm ở phía bên kia cửa biển, muốn sang Thuận An hoặc phải sử dụng thuyền vượt cửa biển, buộc phải qua bến đò Ca Cút nổi tiếng bởi cái tên gọi, hay phải chọn một vài cung đường phù hợp với đoạn đường để chạy quanh không hề… ngắn. Cầu Tam Giang (hay còn gọi là cầu Ca Cút) hoàn thành cùng với cầu Thảo Long trước đó góp phần nối liền các xã bên kia phá Tam Giang với đất liền. Thế nhưng, Quốc lộ 49 vẫn được phân thành hai, bên này Thuận An cùng với bên kia Hải Dương, để rồi đứng ở đôi bờ nhìn sang vẫn thấy ai kia lấp ló, trông gần gũi thôi mà bao lâu nay, vẫn là khoảng cách khó vượt.
Giai đoạn 1 của DA chỉ làm một tuyến đường dài hơn 7,7km với điểm đầu giao với nút QL 49B - Cầu Tam Giang (xã Hải Dương) và điểm cuối nút giao QL 49A - 49B (thuộc Thuận An); trong đó, có 2,36km chiều dài cầu qua cửa Thuận An.
Khác với những chiếc cầu đã xây dựng, kết nối vùng biển với đầm phá, cầu Thuận An mới được khởi công, cùng với cầu Tư Hiền, là cầu vượt biển. Cầu Thuận An vượt biển có chiều rộng 20m; trong đó, bề rộng nhịp cầu chính (trụ T25 - T28), mặt cắt ngang mở rộng 23,5m do bố trí phần trụ tháp rộng 2,50m và giải an toàn hai bên. Chỉ với những thông số mang tính khái lược kia cũng cho thấy tầm cỡ đáng nể của cầu vượt biển Thuận An xuất hiện trong nay mai. Khó có thể so sánh với cầu vượt biển dài nhất Việt Nam là Nhơn Hội (Quy Nhơn), nhưng cầu Thuận An cũng xứng đáng nằm ở top đầu cầu vượt biển ở miền Trung.
Buổi chiều cuối tháng ba lịch sử này, đứng ở bên kia Hải Dương nhìn qua Thuận An sóng nước ngút ngàn, tôi đã nghĩ cái “khoảng cách khó vượt” là đầm phá và cửa biển nữa với người dân Huế sẽ không còn nữa mà lòng thấy rộn ràng. Những cây cầu vượt phá, vượt biển không chỉ đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu giao thương đi lại mà còn là những điểm nhấn tuyệt vời. Đó là hành trình kéo dài một phần ba thế kỷ với cột mốc đầu tiên là cầu vượt phá cũng ở Thuận An vào năm 1990. Tôi cũng lại nghĩ nhiều hơn cái thế ngăn chia bắc - nam Quốc lộ 49B được phá bỏ để cho hành trình ven biển thông suốt từ Điền Lộc đến Tư Hiền. Không còn nghi ngờ, đây là một dự án mang tính lịch sử!
ĐAN DUY
(Còn tiếp)
Kỳ 2: Mở đường nối nhịp bờ vui