Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu trong buổi làm việc với TP.HCM về tình hình triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị tại khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái sáng 11-8
Đó là những kế hoạch được vạch ra sau khi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi thị sát tại sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sáng 11-8.
Việc cấp bách,
phải làm ngay
“Phải gấp rút thực hiện dự án mở rộng sân bay TSN. Ngay từ hôm nay tôi sẽ đốc thúc các bộ ngành về dự án này. Mỗi tuần hai, ba ngày tôi sẽ điện thoại hỏi tiến độ triển khai” - Phó thủ tướng nói.
Ngay tại khu đất quân sự 21ha phía tây sân bay TSN mà Bộ Quốc phòng đang xem xét thống nhất giao để “giải cứu” sân bay TSN khỏi tắc nghẽn, Phó thủ tướng đốc thúc các bên nhanh chóng thống nhất phương án để tìm nhà đầu tư thực hiện ngay dự án.
Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Cảng vụ hàng không miền Nam thì thực trạng tắc nghẽn tại sân bay TSN đang diễn biến nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân góp phần vào tắc nghẽn là tình trạng đường ra vào sân bay độc đạo và độc đạo cả đường cất, hạ cánh.
Chưa kể hoạt động bay quân sự tại vùng trời sân bay Biên Hòa và hành lang bay quân sự Biên Hòa - Vũng Tàu đang ảnh hưởng đến năng lực thông qua vùng trời TSN.
Trong khi đó, trong năm 2015 và 8 tháng đầu năm 2016, lượng hành khách qua cảng hàng không quốc tế TSN tăng vượt quá năng lực khai thác.
Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt là 25 triệu hành khách/năm nhưng năm 2015 con số này lên mức 26,5 triệu hành khách/năm. Dự báo năm 2016 sẽ đạt mức 30 triệu hành khách/năm.
Do tốc độ tăng trưởng và kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không trong nước quá nhanh, chưa có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phát triển khiến công tác điều hành khai thác tại sân bay này rơi vào tình trạng tắc nghẽn.
Hiện nay sân bay TSN chỉ có 51 vị trí đỗ máy bay nhưng nhu cầu cần tới 82 vị trí đỗ. Đường lăn độc đạo nối đường lăn song song với sân đỗ trước nhà ga T1 do vậy các máy bay lăn ra đường lăn song song để lên đường hạ cất cánh phải chờ máy bay hạ cánh lăn vào sân đỗ, làm kéo dài thời gian lăn của máy bay lên đến 25-30 phút/chuyến.
Việc kẹt trong khu vực mặt đất sân bay còn nằm ở nhà ga hành khách khi dự kiến lượng hành khách qua sân bay này trong năm 2016 hơn 30 triệu nhưng tổng công suất thiết kế của cả hai nhà ga nội địa và quốc tế chỉ đạt mức 23 triệu hành khách/năm.
Nếu trong sân bay kẹt từ mặt đất kéo lên trời thì phía ngoài các tuyến đường vào sân bay kẹt đến mức có khi người đi máy bay phải bỏ ôtô từ xa để chạy bộ vào nhà ga.
Phía sân bay TSN cho biết thêm tần suất bay cao nhất tại các khung giờ cao điểm trùng với khung thời gian tan sở sáng từ 10g30 đến 12g, chiều từ 16g30 đến 18g khiến tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn đường sá kéo dài vào tận nhà ga hành khách, đến mức nhiều ôtô bị kẹt xếp hàng dài trên cầu vượt vào nhà ga quốc tế.
Lấy 21ha đất quân sự mở thêm đường lăn
Trong tình hình trên, hàng loạt giải pháp đã được lãnh đạo các bộ ngành đưa ra, trong đó có phương án sử dụng đất quân sự để phá thế độc đạo vào sân bay TSN.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng sân bay TSN càng trở nên cấp bách hơn khi sân bay quốc tế Long Thành phải tới 10 năm nữa mới có thể sử dụng.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết hiện nay giao thông phía ngoài đang làm gia tăng áp lực tắc nghẽn lên ngõ vào sân bay TSN.
“Hiện chỉ có lối vào độc đạo là đường Trường Sơn, các nhánh Bạch Đằng và Hồng Hà nối với Trường Sơn mỗi chiều rộng 20m thì đang thi công. Phải mở đường ở khu quân sự để phá thế độc đạo này” - ông Cường nói.
Ông Trần Đơn, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết hiện nay Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án sử dụng 21ha đất quân sự mở rộng sân bay để trong tuần tới trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Sơ đồ dự kiến phương án mở rộng đường lăn, sân đỗ máy bay và đường song song đường Cộng Hòa ra hướng đường Trường Chinh
Về nhà ga lưỡng dụng (quân sự và dân sự), khi tìm được nhà đầu tư đủ năng lực sẽ triển khai ngay.
“Đất quân sự cũng là đất nhà nước. Chúng tôi có trách nhiệm trong nhiệm vụ này. Việc cần làm là đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu sử dụng cho quân sự và dân sự” - ông Đơn nói.
Trong khi đó, Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay Tổng công ty Cảng hàng không VN đang khẩn trương thi công mở rộng sân đỗ máy bay trên phần diện tích 7,63ha do bên quân sự đã bàn giao trước đó để mở rộng thêm được một đường lăn, giải quyết quá tải bởi một đường lăn độc đạo hiện nay.
Ngoài ra, phía Tổng công ty Cảng hàng không VN cũng đang gấp rút lập dự án mở rộng sân đỗ phía bắc đường lăn E6, dự kiến gồm 8 vị trí đỗ dành cho máy bay A320, sẽ khởi công vào năm 2017.
Giải pháp cấp bách nhất, theo Bộ Giao thông vận tải, là việc Bộ Quốc phòng cần thống nhất giao 21ha đất quân sự để xây dựng thêm một nhà ga hành khách lưỡng dụng, mở rộng sân đỗ.
Theo ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, với 21ha này có thể mở rộng thêm một đường lăn từ đường lăn song song vào sân đỗ.
Ông Nguyễn Nhật nói: “Bắt đầu từ tháng 10-2015 đã bàn về việc sử dụng đất quân sự để mở rộng sân bay TSN, đến nay đã qua bảy cuộc họp nhưng vẫn chưa ra. Nếu 21ha không xử lý được thì không biết chuyện gì xảy ra với ngành hàng không...”.
Ông cho biết vì kẹt trên trời nên tình trạng máy bay bay lòng vòng chờ đáp là phổ biến, nhiều chuyến buộc phải giãn về đậu tại Phan Thiết, Cần Thơ...
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của các bộ ngành về việc xã hội hóa nguồn vốn vào dự án đầu tư mở rộng sân bay TSN. Đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách để tiếp ứng dự án mở rộng sân bay TSN.
Mở thêm đường ra vào sân bay
Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, hiện nay tuyến đường duy nhất kết nối giao thông đô thị vào sân bay TSN theo trục kết nối giao thông đông - tây là tuyến Phạm Văn Đồng nối Bạch Đằng, Hồng Hà ra sân bay TSN kết nối với đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót và
ngược lại.
Để phá thế độc đạo ngoài sân bay, mới đây Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương mở rộng đường giao thông kết nối qua khu vực quân sự đến nhà ga lưỡng dụng.
Bộ Giao thông vận tải đã xác định sơ bộ thực địa và phạm vi để mở rộng tuyến đường ra vào nhà ga lưỡng dụng từ Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện qua đường nội bộ ra vào sư đoàn 370.
Di dời cổng chốt gác quân sự để sử dụng đường nội bộ khu vực quân sự này kết nối với Hoàng Hoa Thám.
Theo đó, sẽ mở rộng tuyến Cộng Hòa và đường Phan Thúc Duyện qua đường nội bộ quân sự ra Hoàng Hoa Thám.
Nghiên cứu phương án mở thêm một tuyến đường song song Cộng Hòa từ đầu Phan Thúc Duyện ra Trường Chinh giảm áp lực cho đường Cộng Hòa và tạo lối thoát cho vòng xoay Lăng Cha Cả.
Ngoài ra, việc mở rộng vòng xoay Lăng Cha Cả, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ tại khu vực trước Quân khu 7 đã được quy hoạch.
Song song đó sẽ triển khai làm thêm hệ thống cầu vượt trước cửa sân bay, làm cầu vượt tại nút vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, mở rộng nút giao thông Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh - Phổ Quang.
|
Theo Tuổi trẻ