ClockThứ Năm, 07/07/2022 06:45

Gia cố hồ nội thành, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ

TTH - Từ nguồn vốn thuộc chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án (DA) Thừa Thiên Huế, hàng loạt ao hồ thuộc khu vực nội thành Huế được nạo vét, kè bờ nhằm chỉnh trang, chống sạt lở và tăng cường tiêu thoát nước lũ.

Tiêu thoát lũ vùng đông thành phố

Nhiều hồ trong nội thành Huế đang bị bồi lắng, ô nhiễm

Giảm ngập úng

Hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế gồm sông Ngự Hà làm chủ đạo, liên kết với hơn 40 hồ lớn nhỏ trong khu vực. Từ nhiều năm nay, các ao, hồ trong khu vực nội thành xuất hiện tình trạng sạt lở, bồi lắng, ô nhiễm làm mất khả năng tích trữ nước, cũng như làm giảm thiểu ngập úng và điều hòa khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Lý, một hộ dân khu vực nội thành cho biết, ao hồ trong khu vực nội thành không chỉ có giá trị về cảnh quan môi trường mà còn là di tích lịch sử. Các hồ vốn tự nhiên, hoặc được đào rộng nhằm tích trữ nước chống ngập lụt trong khu vực nội thành bởi nhiều nơi vốn là vùng thấp trũng. Thời gian qua, một số hồ như Cây Mưng, Phong Trạch bị bồi lắng, tù đọng, rau bèo mọc ken dày. Tình trạng sạt lở, lấn chiếm cũng làm nhiều hồ bị phong hóa thu hẹp.

Theo Ban Quản lý DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế, khu vực kinh thành có đặc trưng là rất nhiều hồ chứa nước, bên cạnh một số hồ đã được kè bờ thì hiện trạng có 6 hồ chưa được kè và nạo vét gồm hồ Xã Tắc, Cây Mưng, Phong Trạch, Tiền Bảo, Hữu Bảo và hồ Vuông.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý DA thông tin, những năm gần đây, do lượng phương tiện đi lại trên đường ven các hồ gia tăng về cả số lượng cũng như tải trọng xe cùng với những tác động của sóng gió gây sạt lở bờ hồ. Có những vị trí bờ hồ sạt lở đến sát mép đường giao thông ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và phương tiện đi trên bờ hồ và gây mất cảnh quan khu vực nội thành Huế. Địa chất bờ hồ tại một số vị trí nghiên cứu có nhiều lớp xen kẹp phần lớn là đất sét pha cát dễ hóa lỏng khi gặp tác động của dòng nước.

Trong khi đó, nhiều năm qua, việc đầu tư chưa được đồng bộ, liền tuyến công trình cũng gây bất lợi cho đoạn chưa được đầu tư gia cố. Do các hồ nhiều năm nay chưa được nạo vét khiến lớp tầng phủ dày tích tụ gây ô nhiễm môi trường là giảm khả năng tích trữ nước qua đó làm giảm khả năng tự làm sạch của các hồ.

Đảm bảo tiến độ

Hiện gói thầu số 24 (HU-CW03) gồm hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba với tổng giá trí hợp đồng hơn 204 tỷ đồng thuộc DA chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế đang được triển khai.

Đơn vị thi công đang giải phóng mặt bằng và tiến hành nạo vét, chỉnh trang, xây dựng kè cứng chống sạt lở 6 hồ và thi công được 11/16 tuyến đường thuộc gói thầu trên với tổng giá trị thực hiện khoảng 15%.

Cụ thể, hồ Cây Mưng hiện đang thi công bờ kè, đổ móng sàn vọng cảnh. Hồ này sẽ được nạo vét khơi thông lòng hồ diện tích hơn 1ha; xây dựng kè cứng bờ hồ để chống sạt lở các tuyến đường xung quanh với chiều dài hơn 440m. Hồ Phong Trạch hiện đang thi công hoàn thiện hệ thống kè bê tông, tường chắn và tiến hành nạo vét lòng hồ trên diện tích 0,4ha; thiết kế sẽ xây dựng kè cứng bờ hồ để chống sạt lở các tuyến đường xung quanh hồ với chiều dài 267m; nâng cấp tuyến đường kiệt 126 đường Nguyễn Trãi. Các hồ khác trong khu vực đang tiến hành dọn dẹp cây cối, giải phóng mặt bằng để triển khai thi công.

Đối với 6 hồ đang thực hiện chỉnh trang sẽ tiến hành nạo vét, xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh quanh hồ theo lộ giới quy hoạch đường; bố trí các dụng cụ thiết yếu như ghế đá, dụng cụ tập thể dục trên vỉa hè xung quanh hồ. Để đảm bảo tích nước, tiêu thoát lũ, các hồ còn được đầu tư hệ thống các cửa xả nước mưa, bố trí các cửa thu nước mặt đường chảy trực tiếp ra hồ và lắp đặt ống thu gom nước thải nhà dân, đấu nối với đường ống thoát nước mưa.

Việc điều chỉnh thay thế một số đoạn kè 6 hồ từ kết cấu mái nghiêng trồng cỏ kết hợp kè đứng bằng đá hộc vữa xi măng M100 bằng các dạng kè như kè bậc thang nhiều tầng kết hợp điểm ngồi vọng cảnh; kè bậc thang nhiều tầng xếp rọ đá kết hợp lọc nước; kè mái nghiêng xếp đá khan kết hợp trồng xen kẽ bằng các loại cây bụi thủy sinh bán ngập. Bổ sung mới các điểm vọng cảnh bằng sàn bê tông cốt thép phía hồ, các máy bơm trao đổi oxy và trồng cây thủy sinh.

Ông Võ Văn Việt khẳng định, tiến độ thi công gói thầu đang được đảm bảo. Khi triển khai thi công hoàn thiện sẽ giảm thiểu tình trạng ngập úng trong đô thị thông qua việc cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước, nạo vét, kè các hồ, sông thoát nước trong khu vực nội thành; tạo cảnh quan cho bờ sông, góp phần phát triển thành phố Huế theo hướng đô thị xanh; giúp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm thiểu bệnh tật do ngập lụt gây ra, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân.

DA chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách địa phương gần 264 tỷ đồng, còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). DA gồm 10 gói thầu xây lắp, đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu. Ngày 23/3, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 36/NQ- HĐND về việc cho ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư DA này; theo đó, sẽ bổ sung gần 400 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
Return to top