ClockThứ Năm, 21/11/2019 14:28

Giải bài toán nguồn lực đầu tư hồ thủy lợi – bài 2: Huy động nhiều nguồn kinh phí

TTH - Không chỉ xuống cấp, hạ tầng, vật tư phục vụ các hồ thủy lợi chưa đảm bảo quá trình vận hành, đặc biệt là hoạt động cảnh báo, dự báo do nguyên nhân thiếu kinh phí.

Giải bài toán nguồn lực đầu tư hồ thủy lợi - Bài 1: Xuống cấp

Khắc phục một số hạng mục tại hồ Truồi

Thiếu vật tư thiết bị

Theo Luật Thủy lợi, các hồ chứa nước thủy lợi lớn và một số công trình thủy lợi trọng điểm đều phải lắp đặt hệ thống quan trắc thủy văn mực nước, lượng mưa. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít hồ được lắp đặt hệ thống trên.

Thống kê từ Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), hiện mới chỉ có 3 hồ lắp đặt hệ thống đo mưa tự động, 15 vị trí đo mưa thủ công; lắp đặt 16 vị trí đo mực nước thủ công tại các hồ; 11 trạm đo mưa tự động có kết nối tự động với website của Công ty Thủy lợi phục vụ quan trắc điều hành; hệ thống đo mặn cũng chỉ lắp đặt 15 điểm đo thủ công. Các hồ thủy lợi chưa có thiết bị camera quan sát.

Theo ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy lợi, hệ thống quan trắc tại hồ chủ yếu bằng phương thức thủ công nên số liệu chưa được cập nhật thường xuyên liên tục và chưa chuẩn hóa đồng bộ được cơ sở dữ liệu. Các số liệu được báo cáo qua máy điện thoại cố định và điện thoại di động nên việc thông báo kịp thời để xử lý các sự cố khi mất liên lạc bằng hệ thống hữu tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định, các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 sau 10 năm đi vào sử dụng phải kiểm định chất lượng công trình, riêng hồ có dung tích dưới 10 triệu m3 không quy định kiểm định, nhưng yêu cầu sau 7 năm phải đánh giá lại tốc độ dòng chảy, kiểm tra trực quan chất lượng công trình. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới có hồ Truồi, Hòa Mỹ được kiểm định giai đoạn 1, hồ Khe Ngang hoàn thành kiểm định. Số hồ đến thời hạn kiểm định 53/56 hồ (trừ hồ Tả Trạch và hồ Thủy Yên mới xây dựng hoàn thành) nhưng chưa hoàn thành kiểm định.

Theo lý giải của ông Đỗ Văn Đính, việc kiểm định chất lượng công trình thủy lợi không hề đơn giản bởi trung bình, để thực hiện kiểm định cần số tiền khoảng trên 1 tỷ đồng thuê tư vấn đánh giá khả năng ổn định thân đập, khả năng bồi lắng… Đó là chưa tính chi phí khắc phục những hư hỏng của công trình sau khi đánh giá. Việc lắp đặt các hệ thống quan trắc, giám sát, xây dựng vành đai, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cũng cần số tiền rất lớn dự kiến khoảng 385 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương nên rất khó đầu tư trong một thời điểm mà phải được phân kỳ đầu tư hợp lý.

Bài toán kinh phí

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quản lý vận hành hệ thống thủy lợi do Tổng cục Thủy lợi tổ chức tại Huế, một thực trạng được đại diện các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi đưa ra chính là việc thu phí thủy lợi (dịch vụ thủy lợi công ích và dịch vụ thủy lợi khác) chưa đảm bảo dẫn đến việc duy tu, bảo dưỡng, đầu tư hạ tầng công trình thủy lợi gặp khó.

Tại Thừa Thiên Huế, doanh thu việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm chiếm tỉ trọng trên 93% tổng doanh thu, trong khi doanh thu dịch vụ thủy lợi khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chiếm 1,07% của năm 2018; 0,92%  của năm 2019.

Theo ông Đính, dịch vụ thủy lợi công ích chủ yếu dựa vào đơn giá cấp bù của Nhà nước, mức hỗ trợ này ổn định từ năm 2013 đến hết năm 2020. Giá dịch vụ thủy lợi công ích cũng chỉ đủ bù công tác thu chi trong quản lý vận hành, không bao gồm hoạt động sửa chữa lớn nên các hư hỏng lớn cần sửa chữa đều phải đợi vốn Nhà nước cấp.

Trong khi đó, ngoài nhiệm vụ cấp nước cho phát triển nông nghiệp, hệ thống thủy lợi còn góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư sinh sống xung quanh công trình, cấp nước nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan, thúc đẩy du lịch. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ các công trình, hồ thủy lợi rất lớn trong khi việc thu phí dịch vụ thủy lợi khác lại nhỏ giọt là một bất cập.

Nguồn thu từ hoạt động thủy lợi khác chưa tương xứng với những nguồn lợi thực mà hệ thống thủy lợi mang lại cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT. Đại diện Tổng cục Thủy lợi chia sẻ, Cục đang chuẩn bị xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để đề xuất Bộ Tài chính áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giá thủy lợi khác dành cho các đối tượng hưởng lợi gián tiếp sẽ được tính toán hợp lý, bổ sung một số đối tượng khác nhằm góp phần tăng nguồn thu bù đắp vào chi phí bảo trì sửa chữa công trình thủy lợi, nhất là các hồ thủy lợi, giảm gánh nặng cho nông dân.

Theo kế hoạch, để thực hiện các nhiệm vụ đúng quy định Luật Thủy lợi, Công ty Thủy lợi cần kinh phí khoảng 385 tỷ đồng, trong đó từ nay đến 2020 cần 150 tỷ đồng.

Để thực hiện những hạng mục trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phan Thanh Hùng đề xuất ngân sách các cấp sớm bố trí nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục trên. Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ thủy lợi cũng cần có sự cân đối, tránh đặt gánh nặng lên vai người nông dân và cần có những quy định khung giá dịch vụ thủy lợi khác, chú trọng đến các đối tượng hưởng lợi gián tiếp từ công trình thủy lợi như hoạt động cấp nước, du lịch… để các địa phương có cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư
Return to top