Khu tập thể Đống Đa đã cũ kỹ xuống cấp. Ảnh: Tâm Huệ
Khu tập thể Đống Đa đã xuống cấp rất nhiều.
Tọa lạc ở trung tâm thành phố Huế, nhìn khu tập thể của thời bao cấp còn lại này có vẻ như là một sự "lỗi nhịp” trong quá trình phát triển đô thị.
Trước đây tôi được biết có một nhà đầu tư đã để ý đến khu đất này nhưng đến nay thì không thấy đả động gì đến nữa. Xin được kể lại dự định của nhà đầu tư, mà xem chừng hợp lý.
Khu tập thể Đống Đa gồm 4 dãy nhà (không kể 2 dãy nhà thuộc Trường đại học Tổng hợp -theo cách gọi cũ - và dãy nhà tập thể của Sở Tài chính trước đây nằm ở phía đối diện), cao nhất là dãy nhà A, 5 tầng, 4 cầu thang, mỗi cầu thang bố trí 15 căn hộ. Như vậy riêng dãy nhà A có tổng cộng 60 căn hộ. Các dãy B, C, D còn lại cao chỉ 3 tầng, số căn hộ được bố trí ít hơn.
Nhà đầu tư đã nêu ra phương án tái định cư tại chỗ. Nghĩa là tính ra số tổng căn hộ ở đây. Rồi xây một chung cư với diện tích đất ít hơn, chồng cao tầng lên để tận dụng không gian. Những gia đình sở hữu căn hộ ở đây sẽ được “tái định cư” lại trong chung cư mới với phương án bố trí vị trí và phương án thỏa thuận về giá giữa căn hộ cũ và căn hộ mới sao cho hợp lý.
Đây là một phương án có nhiều ưu điểm. Xét về lợi ích thì tất cả các bên đều có lợi. Lợi ích đầu tiên là thuộc về lợi ích chung của không gian đô thị. Đô thị Huế sẽ xóa được một khu chung cư đã cũ kỹ, xuống cấp và nếu để thế thì ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn. Tức là không gian đô thị được đẹp hơn, hiện đại hơn. Và với khả năng thiết kế kiến trúc phát triển như hiện nay, chắc chắn là công năng sử dụng cho người vào ở sẽ tốt hơn.
Phương án bố trí tái định cư tại chỗ được người dân đồng thuận
Về phía người dân, sẽ được ở trong căn hộ mới nhưng vị trí vẫn không xê dịch nhiều, vẫn ở tại “vùng lõi” của trung tâm thành phố. Nghĩa là quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng. Vấn đề là nhà đầu tư và người dân tính toán hoán đổi như thế nào về mặt kinh tế để không bên nào bị thiệt. Làm tốt điều này, chắc chắn người dân sẽ đồng tình rất cao. Một cái lợi nữa, có thể là vô hình người dân không thấy được đó là họ sẽ được hưởng một quy tắc mới rất chặt chẽ của quản lý vận hành hoạt động chung cư, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh. Điều này là rất cần thiết cho một cộng đồng.
Còn phía nhà đầu tư họ được lợi gì? Chắc chắn không có nhà đầu tư nào bỏ vốn ra mà chịu thiệt cả. Họ tính toán như thế nào để họ có lợi. Chẳng hạn như họ tính toán tận dụng chiều cao của không gian, chồng cao tầng lên đến khi nào giá trị đất tính cho mỗi căn hộ còn rất thấp. Số căn hộ dôi dư ra họ sẽ bán tự do ra thị trường.
Trước đây phương án bán căn hộ chung cư là rất ít khả thi nhưng thị trường hiện nay thì thuận lợi hơn nhiều. Ví dụ như chung cư Vincoland trước đây xây dãy nhà đầu tiên bán rất khó khăn, nhưng những dãy về sau bán rất nhanh. Xây đến đâu bán hết đến đó. Chung cư Xuân Phú cạnh đó hiện nay cũng bán rất chạy. Điều này cho thấy nhu cầu ở chung cư đang tăng lên, nhất là những người trẻ và gia đình trẻ. Như vậy, xây một chung cư cao tầng ở vị trí khu tập thể Đống Đa hiện nay không sợ “ế hàng”.
Một cái lợi khác cho nhà đầu tư là, một khi tận dụng được chiều cao không gian thì sẽ dôi dư ra quỹ đất. Mà đất ở vị trí này có thể nói là đất vàng, sẽ được sử dụng vào mục đích thương mại đưa lại giá trị cao hơn.
Như thế là cả ba bên: người đang sống trong chung cư, nhà đầu tư và xã hội đều có lợi.
Một phương án giải quyết vấn đề ở khu tập thể Đống Đa cũ có thể nói là hay như vậy nhưng không hiểu sao nó vẫn không được triển khai. Và không biết nhà đầu tư nêu trên hay có những nhà đầu tư khác có còn quan tâm đến vấn đề này nữa hay không?
Nguyên Lê