Vận động, hỗ trợ phương tiện để người dân nhanh bàn giao mặt bằng DA đường nối Phạm Văn Đồng với đường Thủy Dương-Thuận An
Xin lỗi dân
Sau 7 đợt chi trả, Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) thị xã Hương Thủy đã bồi thường, hỗ trợ cho 291 hộ dân ở xã Dương Hòa với tổng số tiền 34,96 tỷ đồng, do bị ảnh hưởng bởi DA hồ Tả Trạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 30 hộ dân của xã Dương Hòa chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ. UBND thị xã Hương Thủy tổ chức đối thoại ngay tại xã Dương Hòa để nghe người dân trực tiếp phản ánh.
Đại diện 16 hộ dân trong thôn, ông Huỳnh Tấn Thạnh (thôn trưởng thôn Thanh Vân) nêu rõ những nội dung mà bà con đang cần câu trả lời thỏa đáng. Thứ nhất, tại sao những hộ dân bị thu hồi đất khi thực hiện dự án hồ Tả Trạch lại bị khấu trừ 0,5 ha diện tích đất được cấp/hộ năm 2010 – phần đất được Nhà nước giao cho khoảng 200 hộ dân xã Dương Hòa để tạo sinh kế. Thứ hai, tại sao trong số những hộ dân nhận 0,5ha đất nói trên, những hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì bị áp dụng khấu trừ 0,5 ha, còn hộ nào chưa có GCNQSDĐ thì không bị trừ.
Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, trình bày rõ quan điểm, chủ trương của Nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi DA hồ Tả Trạch; đồng thời nhấn mạnh, chính sách đền bù, hỗ trợ đều áp dụng công bằng với các hộ dân và đều căn cứ theo những quy định của Nhà nước. Vậy nhưng, sau khi nghe đại diện TTPTQĐ thị xã trả lời lý do tại sao người dân cùng được Nhà nước giao đất tạo sinh kế, nhưng khi áp dụng phương án đền bù hỗ trợ do bị ảnh hưởng dự án hồ Tả Trạch lại “lệch” nhau, ông Nguyễn Đắc Tập đã thẳng thắn, nghiêm túc nói lời “xin lỗi” trước dân.
Phản ứng lý do “hộ nào có GCNQSDĐ rồi thì có căn cứ pháp lý để trừ, còn hộ nào chưa có GCNQSDĐ thì không có cơ sở khấu trừ” của TTPTQĐ thị xã, ông Nguyễn Đắc Tập khẳng định cách làm của TTPTQĐ chưa thấu đáo và chưa hợp lòng dân. “Tôi xin lỗi bà con! Mặc dù chưa thể trả lời ngay với bà con việc đúng hay sai, nhưng tôi ghi nhận vấn đề này, sẽ rà soát lại tất cả những trường hợp có quyền lợi liên quan và sẽ sớm trả lời bà con. Ai sai nấy chịu và chúng tôi đảm bảo thực hiện sự đền bù, hỗ trợ công bằng giữa các hộ”, ông Tập nói.
Chấn chỉnh cả cán bộ
Thực tế, đi vào từng DA còn vướng mắc việc GPMB mới thấy, bên cạnh những chế độ chính sách có điểm này điểm khác cần kiến nghị điều chỉnh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thì UBND thị xã Hương Thủy vẫn còn phải chấn chỉnh nghiêm “tinh thần” của không ít cán bộ cấp dưới.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB các DA trên địa bàn, UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức nhiều cuộc họp với các phòng ban liên quan để đôn đốc, phân tích và tìm giải pháp tháo gỡ. Trong không ít cuộc họp, lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy đã phải “nóng ruột” nói thẳng do cán bộ tham mưu nhưng thiếu… tham mưu và thiếu cả sự chủ động trong việc phối hợp với các bộ phận liên quan để xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh.
DA đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thuỷ Dương - Thuận An tuy chỉ dài hơn 2km, nhưng tiến độ GPMB đã kéo dài hơn 4 năm, làm ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị và đấu nối hạ tầng. Theo TTPTQĐ thị xã Hương Thủy, DA đường nối Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương – Thuận An có 4 vướng mắc. Tuy nhiên, khi phân tích vào từng việc, trong khi 2 vướng mắc chính là điều chỉnh đơn giá bồi thường cho 6 hộ dân bị ảnh hưởng và cho phép 8 hộ thuộc diện tái định cư được ghép lô đang đợi ý kiến của UBND tỉnh, thì một “vướng mắc ngoài danh sách” xuất hiện: nhiều trường hợp đã nhận tiền đền bù, bồi thường nhưng lại chậm trễ bàn giao mặt bằng.
Ngay tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Tập nói thẳng: “Chưa nói đến người dân, thì sự chậm trễ này có một phần rất lớn trách nhiệm của cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện GPMB. Đó là sự thiếu cương quyết khi ký kết và theo dõi thỏa thuận bàn giao mặt bằng với người dân, thiếu cả sự tham mưu kịp thời lên cấp trên nên mới để diễn ra tình trạng người dân tiền thì nhận mà mặt bằng thì chậm giao”.
Ngoài DA đường nối Phạm Văn Đồng với đường Thủy Dương – Thuận An, một số DA khác, như: DA đường Sóng Hồng nối dài đến Tỉnh lộ 10A, DA xây dựng cơ sở 2 Trường trung học Giao thông vận tải Huế, DA hồ Tả Trạch, DA mạch 2 đường dây 220KV Đông Hà – Huế… đều có một phần sự chậm trễ của cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện công tác GPMB.
Ông Nguyễn Đắc Tập khẳng định: “Chúng tôi sẽ đôn đốc anh em cán bộ để đẩy nhanh tiến độ GPMB của các DA đầu tư trên địa bàn. Từ nay đến hết năm 2017, thị xã Hương Thủy phải hoàn thành GPMB DA đường nối Phạm Văn Đồng với đường Thủy Dương – Thuận An. Quan điểm của thị xã trong công tác GPMB, đền bù, hỗ trợ và tái định cư luôn thống nhất: Những gì thuộc về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, chúng tôi tìm mọi cách để giải quyết đảm bảo. Ngược lại, khi các chế độ chính sách của Nhà nước đã được áp dụng đúng đối tượng, đủ quyền lợi thì đề nghị bà con có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để địa phương thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN