ClockThứ Năm, 26/09/2019 14:53

Gỡ “nút thắt” phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

TTH.VN - Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 26/9. Chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đại diện các bộ ngành, địa phương.

Tại hội nghị

Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có các ông Lê Trường Lưu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Giải ngân chậm thì cắt vốn

Theo Bộ KH&ĐT, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Theo đó, có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế cần được tháo gỡ.

Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác GPMB, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài.

Công trình kè Phú Thuận (Phú Vang) từ nguồn vốn chương trình MTQG

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ nhiều năm qua đã tạo ra “nút thắt” đối với nền kinh tế. Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. Đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sát đúng, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn khi còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2019.

Đồng thời, các bộ ngành cần rút kinh nghiệm năm nay để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, những tháng còn lại cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Ngành, địa phương nào giải ngân chậm thì cắt vốn, điều chuyển sang cho ngành, địa phương khác sử dụng hiệu quả hơn.

Triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả 

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Theo đó, yêu cầu đến ngày 30/9/2019, phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2019 và hoàn thành sớm giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2019 được giao trong niên độ kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 15/9/2019 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý đạt 53,6%. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 61,6% kế hoạch, vốn các chương trình MTQG từ ngân sách trung ương đạt 62,6%, vốn các chương trình MTQG đạt 64,5% kế hoạch, vốn TPCP đạt 100% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 31,3% kế hoạch, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư đạt 37,1% kế hoạch.

Dự kiến đến hết tháng 9/2019, giải ngân đạt 64,1% tổng kế hoạch vốn, trong đó nguồn ngân sách trung ương đạt 62% kế hoạch; đến ngày 31/1/2020 giải ngân cơ bản hết nguồn vốn đầu tư công năm 2019.

Theo đánh giá, các nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn từ ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân khá; nguồn vốn ODA, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư của địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Nguyên nhân theo Sở KH&ĐT, nguồn ODA trung ương giao chậm. Một số chủ đầu tư năng lực quản lý dự án hạn chế, thiếu quyết liệt, trách nhiệm trong điều hành, tháo gỡ các vướng mắc trong GPMB. Khối lượng giải ngân chủ yếu các dự án thanh toán khối lượng hoàn thành; các dự án, gói thầu khởi công mới tập trung thực hiện thủ tục lập thiết kế, dự toán và tổ chức đấu thầu nên chưa đảm bảo thủ tục để giải ngân; các dự án chuyển tiếp đang thi công để có khối lượng thanh toán. Chủ đầu tư và nhà thầu không làm thủ tục thanh toán ngay khi có khối lượng mà đợi đến khi hoàn thành mới thực hiện.  

Cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Thừa Thiên Huế cũng đã và đang triển các giải pháp sử dụng hiệu quả và giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng cuối năm 2019.

Đường Chợ Mai-Tân Mỹ đang triển khai thi công

Theo đó, địa phương sẽ kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc, hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thực hiện các dự án. Các nhà đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư, không dẫn đến nợ động xây dựng cơ bản.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành cơ quan quản lý đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, thủ tục thực hiện, giải ngân dự án thực hiện tiếp nhận xử lý hồ sơ một cửa đảm bảo thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết tủ tục.

Ngoài ra, chủ đầu tư và các địa phương cần tăng cường công tác GPMB, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan; đẩy nhanh công tác thanh quyết toán, tạm ứng, giải ngân khối lượng xây dựng cơ bản; báo cáo kịp thời để điều chỉnh vốn đầu tư của các dự án và đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, đề án di dời dân cư, GPMB khu vực 1 di tích kinh thành Huế, phần vốn để thực hiện công tác GPMB 1.880 tỷ đồng, hiện phía địa phương không cân đối được. Tỉnh đã trình Bộ KH&ĐT thẩm định nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Hiện nay, tiến độ thực hiện đề án rất cấp bách, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2019-2020 và bố trí 1.500 tỷ đồng cho đề án trong năm 2019-2020.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top