Đường Hai Bà Trưng, đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến Ngô Quyền
Chỉnh trang toàn tuyến
Trước đây, tuyến đường Hai Bà Trưng được biết đến là “tuyến phố” karaoke sôi động, khu phố mua sắm sầm uất với hàng chục cơ sở kinh doanh karaoke, giải khát và kinh doanh dịch vụ quy mô lớn trên địa bàn TP. Huế, tạo nên tuyến phố nhộn nhịp thu hút nhiều người dân, du khách đến vui chơi. Gần đây, sau khi các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực Nguyễn Văn Huyên… ra đời, cùng với việc nhiều cơ sở kinh doanh chủ động chuyển đổi từ dịch vụ karaoke sang lĩnh vực khách sạn nên tuyến đường này trở nên trầm lắng. Mặt khác, hạ tầng nhiều năm chưa được nâng cấp, chỉnh trang nên xuống cấp; hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh chưa đáp ứng nhu cầu để phát triển các dịch vụ - du lịch, đặc biệt là du lịch đêm.
Theo chủ Khách sạn Nice Huế, ông Trần Minh Quân, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hơn 30 năm nay, 3 năm trở lại đây do vắng khách nên chuyển sang kinh doanh khách sạn và hiện thu hút khá đông khách. Nếu đường Hai Bà Trưng được nâng cấp, chỉnh trang thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, làm hài lòng khách du lịch, đồng thời góp phần tạo động lực để người dân hai bên tuyến đường đầu tư thêm các dịch vụ du lịch nhằm nâng tầm cho tuyến phố.
Với định hướng kích cầu du lịch để thu hút khách, trong đó chú trọng phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch đêm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng có, TP. Huế đang hình thành phố đi bộ kết hợp với các khu vực thương mại sẵn có và việc khai thác dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất về đêm, trong đó tập trung chỉnh trang đường Hai Bà Trưng.
Theo quy mô và phương án đầu tư xây dựng, TP. Huế sẽ chỉnh trang tuyến đường Hai Bà Trưng với chiều dài toàn tuyến khoảng 850m, tổng mức đầu tư gần 97 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh và thành phố. Công trình bao gồm 3 khu vực, trong đó khu A (từ đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Huệ) bao gồm các hạng mục như lát đá vỉa hè, thảm bê tông nhựa mặt đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; làm mới hệ thống điện chiếu sáng đường và vỉa hè bằng đèn Led, bố trí đèn chiếu sáng và quấn cây khi có lễ hội; đầu tư hệ thống camera quan sát; bố trí ô cây, bãi đỗ xe theo thiết kế...
Khu B (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Ngô Quyền), tập trung chỉnh trang lát đá toàn bộ vỉa hè và mặt đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đầu tư hệ thống camera quan sát; xây dựng các ô cây - dải cây... Ngoài ra, khu vực này sẽ bố trí các điểm tiện ích công cộng như bảng thông tin ở 2 đầu tuyến đường, quầy thông tin dịch vụ kết hợp WC di động, xe dịch vụ di động, modul ghế ngồi có mái che, chòi nghỉ kết hợp điểm nhấn ánh sáng... Đồng thời, chỉnh trang công viên đối diện khách sạn Parkview, bao gồm lát đá toàn bộ công viên, bố trí hệ thống phun nước âm, điện chiếu sáng, trang trí theo thiết kế. Khu C (từ đường Ngô Quyền đến đường Hà Nội), sẽ lát đá vỉa hè, thảm nhựa đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hệ thống camera quan sát, hệ thống biển báo, sơn kẻ đường giao thông trên tuyến theo quy chuẩn... Công trình sẽ triển khai trong tháng 9/2022.
Phối cảnh đường Hai Bà Trưng sau khi hoàn thành dự án chỉnh trang
Hướng đến phố đi bộ
Cùng với DA chỉnh trang, trên cơ sở nội dung đề xuất phương án quy hoạch, đề xuất DA phố đi bộ đường Hai Bà Trưng của UBND TP. Huế và đơn vị tư vấn; ý kiến tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành tại cuộc họp ngày 6/5/2022, tại thông báo kết luận của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cơ bản thống nhất phương án đề xuất thiết kế đường đi bộ Hai Bà Trưng với mục tiêu hình thành đường đi bộ kết hợp với các khu vực thương mại sẵn có, như Khu rạp chiếu phim Cinestar, các công trình dịch vụ đầu đường Hai Bà Trưng, công viên Kim Đồng,… và việc khai thác dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất về đêm, bổ sung thiết chế dịch vụ vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách.
UBND tỉnh yêu cầu TP. Huế tiếp tục hoàn thiện phương án, tổ chức lập DA và triển khai thực hiện đảm bảo đưa phố đi bộ vào vận hành trong dịp lễ đón năm mới 2023 (30/12/2022); trong đó, thống nhất quy mô bổ sung thêm phần đường Hai Bà Trưng kết nối đến đường Hà Nội để có phương án tổng thể; nghiên cứu đồng bộ để chỉnh trang tuyến từ Ngô Quyền đến Hà Nội và có thể tổ chức thực hiện ở giai đoạn 2; xem xét, thiết kế chi tiết đối với hạng mục đá vỉa hè nhằm tạo sự sinh động phù hợp với tính chất nhộn nhịp của phố đi bộ. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung điểm kết thúc tuyến tại vị trí kết nối với sông An Cựu (có thể triển khai giai đoạn 2), phương án quy hoạch vừa là điểm nhấn vừa là điểm kết thúc tuyến với thiết kế kiến trúc nổi bật…
Bài, ảnh: Thanh Hương