ClockChủ Nhật, 04/08/2019 06:49
CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO LÁI Ô TÔ:

Kết hợp “con người” & công nghệ

TTH - Chấn chỉnh công tác đào tạo, lắp đặt, kết nối hệ thống giám sát trực tuyến sát hạch lái ô tô được Sở Giao thông vận tải (GTVT) áp dụng từ tháng 5/2019. Đây là một trong những hợp phần của dự án xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông mà Sở GTVT đang triển khai, tiến đến xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT.

Khánh thành trung tâm sát hạch lái xe ô tô

Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Thưa ông, đâu là khởi nguồn để Sở GTVT xây dựng mô hình này?

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và các chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cùng mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hướng đến Chính phủ điện tử mà tỉnh đang đẩy mạnh triển khai, Sở GTVT đã nhập cuộc khá sớm để thiết lập mô hình điều hành, giám sát trực tuyến một số hoạt động liên quan đến sát hạch, vận tải, quản lý hạ tầng giao thông.

Qua vận hành hệ thống giám sát sát hạch lái xe trực tuyến, giám sát lộ trình vận tải các phương tiện thuộc Sở GTVT quản lý đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu phát hiện xảy ra sai phạm, vi phạm.

Trong khi chưa được kết nối vào hệ thống chung, đơn vị đang ứng dụng phần mềm kết nối điện thoại thông minh (smartphone) của người tuần đường để báo cáo bằng hình ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông về Sở GTVT, thay cho việc ghi chép bằng sổ sách như trước. Ứng dụng này giúp lãnh đạo đơn vị, bộ phận quản lý định vị và tiếp nhận kịp thời, chính xác hiện trạng đường sá, cầu cống hư hỏng, xuống cấp, cũng như phục vụ cập nhật tất cả nhật ký tuần đường để chấm công, nghiệm thu.

Sát hạch lái ô tô đã được giám sát trực tuyến từ xa, liệu công nghệ hỗ trợ mới này được kỳ vọng sẽ thay đổi về chất lượng đào tạo cũng như cấp bằng?

Đi trước một bước về thời gian so với yêu cầu, Sở GTVT đã đưa hệ thống giám sát trực tuyến vào sát hạch từ tháng 5/2019 và đã tổ chức giám sát trực tuyến hơn 15 khoá thi. Thực ra, từ năm 2014, đơn vị đã lắp camera giám sát trong phòng thi, song chỉ dùng để lưu dữ liệu trong 1 năm, phục vụ khi cần phúc tra, thanh tra theo quy định của Bộ GTVT.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt công tác sát hạch và ứng dụng công nghệ này không phải để làm khó học viên, người dân mà mục đích cốt lõi là để đẩy chất lượng đào tạo lên cao và giảm số vụ gây tai nạn giao thông (TNGT). Vì một khi có sự giám sát của nhiều người, nhiều cấp sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công tác điều hành quản lý, cũng như tăng hiệu quả đào tạo, giảm tiêu cực, sai sót trong thi cử.

Đối với người dân, khi được đào tạo chất lượng, bài bản và cho kết quả đúng thực lực, người lái sẽ tự tin và đảm bảo an toàn khi "ôm" vô lăng.

Có nghĩa chất lượng sát hạch đã có sự thay đổi sau khi áp dụng hệ thống giám sát trực tuyến này?

Thực ra hệ thống này mới được vận hành trong thời gian ngắn nên chưa thể đánh giá cụ thể, song hiệu quả chắc chắn có.

Ngoài công nghệ hỗ trợ hiện đại, quan trọng vẫn là yếu tố "con người". Sau những vụ việc "mua" bằng, "chạy" bằng diễn ra ở một số địa phương mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo chấn chỉnh, từ tháng 7/2018, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm soát xét, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ coi thi, cũng như trang bị máy móc, thiết bị phục vụ giám sát, lưu trữ thông tin. Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo để tất cả các phòng chuyên môn đều có thể được cử tham gia sát hạch, thay vì lâu nay chỉ cán bộ thuộc một phòng phụ trách coi thi.

Với sự chấn chỉnh kịp thời từ các khâu, hiệu quả đem lại là chung cho cả công tác điều hành chứ không riêng hiệu quả về thi bằng lái xe và mục đích hướng đến kết quả tích cực nhất.

Màn hình giám sát trực tuyến hoạt động vận tải của các phương tiện do Sở Giao thông vận tải quản lý

Công nghệ hỗ trợ coi thi này có gây "sốc" cho học viên?

Một vài khoá thi đầu, do chủ quan, chưa nghiêm túc và chưa "quen" với đổi mới này, nên số lượng học viên thi rớt rất nhiều. Thay vì trước đây, tỷ lệ thi đậu lần 1 phần thi lý thuyết luôn đạt cao, nhưng sau khi siết chặt công tác cán bộ coi thi cũng như ứng dụng hệ thống giám sát trực tuyến, tỷ lệ thi đậu trong vài khoá đầu giảm xuống. Tuy nhiên, sau khi đã vào guồng và được sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GTVT đến các trung tâm đào tạo, sát hạch, chất lượng thi đã tăng lên, với tỷ lệ thi đạt lần đầu từ 70-75%.

Nghĩa là trước đây, đã có một tỷ lệ nhận bằng "ảo". "Lỗ hổng" này có phải là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn, mất trật tự ATGT?

Như trong các cuộc họp ATGT đã đánh giá, nguyên nhân xảy ra TNGT không chỉ do hạ tầng đường sá, ý thức người lái, có chứa nồng độ bia rượu khi lái... mà trong đó còn có nguyên nhân thiếu ý thức, kiến thức về Luật ATGT trong quá trình đào tạo. Điều này dẫn đến khi tham gia giao thông, không ít trường hợp đã không chấp hành, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, làm mất trật tự mỹ quan đô thị.

Phải thừa nhận công tác nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, ứng dụng giám sát trực tuyến đang đem lại tín hiệu lạc quan. Vì tỷ lệ thi rớt lần đầu dù có tăng, nhưng thay vì trước đây những thí sinh bị trượt có rất nhiều trường hợp chỉ làm đúng 1-2 câu, thì nay dù trượt họ vẫn làm trúng từ 15 câu trở lên. Có nghĩa học viên đã chịu học, chịu nghiên cứu giáo trình, công tác thi cấp bằng lái thực sự đã "học thực thi thực" và mục tiêu nâng cao chất lượng đạo tạo cũng như coi thi dần có hiệu quả.

Thi sa hình cũng là một phần thi quan trọng, vậy lúc nào sẽ đưa camera giám sát trực tuyến áp dụng vào phần thi này?

Theo quy chế của Bộ GTVT chưa yêu cầu đưa vào giám sát trực tuyến phần thi này. Bởi trên mỗi phương tiện phục vụ phần thi sa hình đều đã gắn tín hiệu báo tự động "Mai Ca", nên không xảy ra tình trạng chấm sai, gian lận hay trợ giúp ở phần này. Tuy nhiên, theo lộ trình, khả năng đến năm 2020 sẽ áp dụng camera giám sát trực tuyến chung cho toàn các phần thi. Lúc đó, đơn vị tổ chức sát hạch sẽ được hướng dẫn lắp đặt camera, mạng kết nối trên mỗi xe thi, tương tự như đang áp dụng đối với xe thi đường trường.

Yêu cầu đặt ra cho các trung tâm đào tạo, sát hạch để "khớp nối" hệ thống giám sát trực tuyến cũng như nâng chất lượng đào tạo được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ngoài phân công lực lượng tăng cường công tác quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm chú trọng công tác đào tạo lý thuyết, thực hành, đảm bảo phương tiện học lái, tập lái an toàn, chất lượng, đăng kiểm, loại bỏ xe quá cũ, không đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ tập lái. Sở GTVT cũng giám sát chặt, không để các trung tâm đào tạo vượt quá lưu lượng học viên; chấn chỉnh thái độ cũng như trình độ của giáo viên.

Đối với các trung tâm sát hạch, ngoài phải đảm bảo phương tiện thi, biển báo, tín hiệu, kẻ vạch..., Sở GTVT đã yêu cầu trang bị hệ thống camera, màn hình lắp đặt trong phòng thi lý thuyết, tạo thuận tiện cho việc truyền trực tiếp hình ảnh về văn phòng sở cũng như lưu dữ liệu từng khóa thi.

Những ứng dụng nào sẽ được kết nối để hoàn thiện hệ thống điều hành, giám sát trực tuyến này?

Do sắp chuyển trụ sở nên các hệ thống điều hành trong giai đoạn 1 vẫn chưa tập trung. Hiện, 3 màn hình phục vụ giám sát trực tuyến từng hoạt động còn đặt ở từng phòng, bộ phận phụ trách. Sắp tới, sau khi ổn định tại trụ sở mới vào cuối năm 2019, Sở GTVT sẽ hoàn thiện Trung tâm Điều hành giao thông theo chỉ đạo và phương án của UBND tỉnh để giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, trong đó sẽ tích hợp 3 bộ phận: sát hạch, vận tải và quản lý hạ tầng giao thông; đồng thời kết nối tiếp nhận xử lý phản ánh hiện trường từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.

Đây là cơ sở để Sở GTVT thực hiện lộ trình Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, 63 tỉnh, thành phải truyền trực tiếp các hoạt động giao thông, sát hạch về Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT theo dõi, giám sát.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những con đường từ sức dân

Từ năm 2020 đến nay, người dân TX. Hương Trà đã hiến hơn 150 ngàn m2 đất để mở rộng gần 120km đường giao thông, ngõ xóm. Những con đường được xây dựng bằng sức dân đã và đang phát huy hiệu trong góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng.

Những con đường từ sức dân
Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Đông Á - Thái Bình Dương trước những thay đổi kinh tế mới:
Vai trò của công nghệ trong tăng trưởng và việc làm

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) từ lâu được xem là ngọn hải đăng của tăng trưởng kinh tế khi liên tục vượt trội hơn nhiều khu vực khác trên thế giới.

Vai trò của công nghệ trong tăng trưởng và việc làm
Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top