ClockThứ Bảy, 16/01/2021 14:32

Kết nối liên hoàn hạ tầng giao thông ven biển

TTH - Những dự án phát triển hạ tầng giao thông triển khai trong thời gian tới sẽ kết nối liên hoàn, thông suốt với các tuyến đường bộ và các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng ven biển, đầm phá.

Đầu tư về hướng biển

Phát triển hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy đầu tư vùng biển, đầm phá Tam Giang

Tuyến đường du lịch

HĐND tỉnh vừa thông qua đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã thống nhất phạm vi nghiên cứu quy hoạch điều chỉnh tuyến đường ven biển có điểm đầu tại TL22 thuộc xã Điền Hương (Phong Điền) và điểm cuối giáp ranh khu quy hoạch xây dựng đô thị Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Đề án điều chỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký trình HĐND tỉnh thẩm tra cho thấy, vị trí tuyến ven biển quy hoạch điều chỉnh dự kiến sẽ đi qua địa phận của 21 xã, thị trấn thuộc 4 huyện và 1 thị xã trên tổng chiều dài 84,5km. Trong đó, chỉ có 56,3 km là đoạn tuyến mới, đoạn còn lại trùng với QL49B hiện hữu và TL22.

Riêng đoạn tuyến còn lại từ đường ven sông Bù Lu đến chân đèo Hải Vân, dài 32,5km là đoạn tuyến thuộc phạm vi quy hoạch chung của Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cơ bản đã có quy hoạch chi tiết về hướng tuyến ven biển nên sẽ không nghiên cứu lập quy hoạch điều chỉnh.

Những dự án đầu tư xây dựng giao thông sẽ kết nối các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh

Theo đề án, nền đường sẽ rộng từ 26-36m với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.547 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Tuyến đường ven biển được điều chỉnh bổ sung phù hợp điều kiện địa hình, địa vật và các khu dân cư, đô thị hiện trạng; phù hợp với điều kiện thuỷ-hải văn và đặc biệt lưu ý tới vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Dự án được triển khai sẽ hình thành được tuyến đường du lịch ven biển xuyên suốt từ Bắc chí Nam, đi dọc bờ biển tỉnh. Trong đó, quy hoạch vị trí xây dựng tuyến đi vào gần bờ biển hơn (cách bờ biển khoảng 1km, cục bộ không đi xa biển qua 2km) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển và phát triển KT-XH, du lịch địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống người dân các xã ven biển.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đánh giá, việc xây dựng tuyến đường ven biển ngoài đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn còn thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và các địa phương vùng biển nói riêng, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo đó, thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các DA hạ tầng du lịch, dịch vụ và các dự án phát triển KT-XH.

Giải pháp phân kỳ và thứ tự đầu tư xây dựng tuyến đường giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 sẽ triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến mới QL49B vượt qua cửa biển Thuận An để nối cầu Tam Giang (Hương Trà) đến cầu Thuận An và đập Hòa Duân (Phú Vang) với chiều dài khoảng 9km. Trong đó, có cầu qua cửa biển Thuận An dự kiến khoảng 2,3km với kinh phí tầm 1.200 tỷ đồng. Đoạn QL49B nối cầu Tư Hiền đến đường ven sông Bù Lu, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) dài khoảng 9,3 km.

Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các đoạn còn lại, bao gồm tuyến đập Hòa Duân - thị trấn Thuận An - xã Vinh Hiền và đoạn từ TL22 về đến cầu Tam Giang. Giai đoạn 3 từ năm 2030-2050, triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường và hầm xuyên núi nối QL49B, xã Lộc Bình (Phú Lộc) đến xã Lộc Thủy (Phú Lộc) với chiều dài khoảng 4 km.

Thu hút đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh góp phần mở rộng không gian kinh tế và đô thị ven biển. Bộ Giao thông Vận tải tại Công văn số 8980/BGTVT-KHĐT ngày 9/9/2020, cũng đã ủng hộ đề nghị của UBND tỉnh về việc điều chinh cục bộ quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh.

Thực tế hiện trạng vị trí tuyến QL49B có nhiều đoạn đi khá xa bờ biển (>2km), hướng tuyến lại khá vòng vèo và đi xuyên qua các dân cư đông đúc. Bề rộng mặt đường bê tông nhựa hiện hữu chỉ rộng tối đa 7,5m, một số vị trí chỉ rộng 5,5m, nên việc đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến QL49B đạt quy mô 4 làn xe để làm tuyến trục chính du lịch ven biển (nền đường từ 26-36m như đường ven biển dự kiến đầu tư) sẽ rất tốn kém và nhiều vướng mắc khi thực hiện. Đồng thời, việc khai thác quỹ đất hai bên đường QL49B để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, phát triển KT-XH là rất hạn chế, không tạo được động lực mới để phát triển KT-XH cho các địa phương ven biển.

Việc xây dựng tuyến ven biển mới không đi qua khu dân cư, chủ yếu đi qua các khu vực đất trống, đất rừng sản xuất, trồng keo tràm hoặc mồ mả, sẽ khắc phục các nhược điểm trên, dễ thuận lợi khi thực hiện do ít vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Quy hoạch điều chỉnh xây dựng tuyến ven biển theo tuyến mới sẽ rút ngắn được tổng chiều dài tuyến ven biển qua tỉnh (khoảng 10km) nên sẽ giảm thời gian đi lại và tiết kiệm được một phần kinh phí xây dựng tuyến và kinh phí vận tải, lưu thông hàng hóa. Việc xây dựng tuyến ven biển mới sẽ tạo điều kiện để tổ chức quy hoạch xây dựng lại các khu vực chưa phù hợp hoặc thúc đẩy hình thành phát triển các đô thị ven biển tỉnh xứng tầm hơn; sẽ thu hút thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại vùng ven biển tỉnh, tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH, du lịch dịch vụ vùng ven biển phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, sẽ góp phần làm tăng thêm nguồn thu ngân sách cho các địa phương vùng ven biển tỉnh nói riêng, cũng như cả nước nói chung.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay do thiếu nguồn lực nên QL49B phải đi vòng dài 12,6km, qua cầu Tam Giang (dài khoảng 560m), cầu Thảo Long kết hợp đập ngăn mặn (dài khoảng 600m), cầu Diên Trường 2 (dài khoảng 100m), cầu Diên Trường 1 (dài khoảng 100m) và cầu Thuận An (dài khoảng 450m). Việc mở rộng đoạn tuyến này thành tuyến đường đô thị đòi hỏi nguồn lực khá lớn và ảnh hưởng đến năng lực khai thác hiện tại. Việc đầu tư đoạn tuyến mới và cầu qua cửa Thuận An với chiều dài toàn bộ là 7,6km (rút ngắn 5km so với tuyến cũ) là hết sức cần thiết. Cầu qua cửa biển Thuận An sẽ tạo ra điểm nhấn cảnh quan đô thị hiện đại ven biển nhằm thúc đẩy kết nối giao thông và phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Để xây dựng tuyến đường ven biển, UBND tỉnh đã đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 với kinh phí 6.320 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm 2021 sẽ bố trí 100 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, GPMB tại các địa phương có tuyến đường này đi qua.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top