ClockThứ Sáu, 10/11/2017 05:26

Khắc phục hạ tầng giao thông, thủy lợi sau lũ

TTH - Sau lũ, hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp nhiều điểm. Ngành chức năng đang tích cực triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài khắc phục sạt trượt, ổn định sản xuất.

 Chủ tich UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao thị sát tại điểm sạt lở đường 14B. Ảnh: TB

Sáng 9/11, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) do ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ dẫn đầu, đã có chuyến kiểm tra, thị sát tình hình sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới. Tại đây, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Quản lý đường bộ 2) và đơn vị bảo trì Công ty CP Quản Lý Và Xây Dựng Đường Bộ Thừa Thiên Huế, nhanh chóng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, thông tuyến trước mắt và có phương án khắc phục về lâu dài.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, những ngày mưa lũ vừa qua, Quốc lộ 49B đã xảy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng trên chiều dài hơn 24 km, với khối lượng sạt lở 5.460m3 đất, 25 điểm giao thông bị ách tắc, 8 công trình phụ trợ bị hư hỏng. Tại các tuyến đường giao thông địa phương có 125km bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng khoảng 264.500m3 đất, đá bị sạt lở và bê tông, nhựa đường bị hư hỏng; 145 cái cầu và 620 cống bị hư hỏng.

Trên tuyến Quốc lộ 49 sau đợt mưa lũ vừa qua, xuất hiện 6 điểm sạt trượt taluy dương và hàng chục điểm sạt trượt nhỏ đã được khắc phục cơ bản xong. Tuy nhiên, trên mặt đường vẫn còn rải rác đất đá bị sạt lở rơi vãi, các phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông qua đây; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây trong những ngày qua đã thông xe đến KM380, đoạn còn lại từ Km 380 đến Km420 bị sạt trượt nghiêm trọng trước đó cũng đã được khắc phục xong.

Từ ngày 5-7/11, cơ quan chức năng đã huy động máy móc, nhân lực, ngay trong thời điểm còn mưa lớn, đã tiến hành di dời hàng nghìn m3 đất đá và thông tuyến 1 làn xe, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện trên tuyến. Trong đó, điểm sạt trượt nặng nhất tại KM 75+250 đi qua địa bàn huyện A Lưới với nền đường bị yếu và xảy ra hiện tượng sụt lún nên phải cấm các phương tiện có tải trọng nặng. Ông Phan Châu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục đường bộ 2.6 cho biết, hiện tại, đơn vị đang triển khai đồng bộ 3 giải pháp khắc phục giao thông trên tuyến Quốc lộ 49 và đường Hồ Chính Minh nhánh Tây. Theo đó, từ thời điểm xảy ra hiện tượng sạt trượt gây ách tắc giao thông, chi cục đã gửi văn bản đến các đơn vị vận tải trên địa bàn thông báo về tình trạng sạt trượt để cánh báo; gắn các biển báo tạm thời để giới hạn phương tiện và phối hợp với lực lượng CSGT tỉnh hướng dẫn, điều tiết lưu thông cho người dân cùng các phương tiện vận tải qua khu vực này. Tại KM 75+250 nền đất yếu nên cấm các phương tiện tải trọng lớn, chỉ cho xe khách, xe gắn máy và xe tải trọng nhỏ qua khu vực này.

“Phương án lâu dài, chúng tôi đã có báo cáo hiện trạng khu vực sạt trượt này lên Tổng Cục đường bộ để xin ý kiến chỉ đạo. Trước mắt đã thông xe và triển khai các giải pháp gia cố phòng các điểm sạt trượt mới”, ông Thành khẳng định.

Tại huyện Nam Đông, do mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ 14B. Cụ thể đoạn đèo La Hi trên tuyến tỉnh lộ này bị sạt trượt với 4 địa điểm trên chiều dài khoảng 130m với hàng nghìn m3 đất đá tràn ra mặt đường.

Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Giám đốc Công ty CP phần Đường bộ I cho biết, ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở gây ách tắc cục bộ, Xí nghiệp Đường bộ 103 (thuộc Công ty CP Đường bộ I) phối hợp với các đơn vị liên quan, điều xe múc và xe ủi túc trực, giải tỏa đất đá, thông tuyến.

Trên các tuyến đường đồng bằng, đường liên xã, thôn hiện tại nhiều nơi vẫn còn ngập nhẹ, chưa có thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, sau mưa lũ, có thể thấy một số tuyến như Tỉnh lộ 11C đi qua địa bàn huyện Phong Điền bị bong tróc mặt đường nhiều điểm và bèo lấp tại Km2+920 và Km3+100 do đây có nhiều đường băng qua rú cát với nền thấp, nước chảy xiết. Hiện chính quyền chức năng đã cử lực lượng túc trực, hướng dẫn người dân qua các ngầm tràn, điểm sạt lở. Trong sáng 7/11, lực lượng công nhân của Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế cùng chính quyền địa phương đã tranh thủ nước rút, khơi thông, vớt bèo và gia cố tạm thời các điểm sạt lở.

Đối với các tuyến đê bao, đê nội đồng của các địa phương như Phú Vang (đê Thiệu Hóa, dài 8,5km); huyện Quảng Điền (đê Diên Hồng, Đồng Lâm dài 5km); huyện Phong Điền (đê hói Hiền Lương, Điền Hải, dài 10km) bị sạt, hư hỏng xuống cấp nặng sau mưa lũ.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tình trạng xuống cấp sau mưa lũ của các tuyến đê hiện nay nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông xuân.

“Trước mắt các địa phương trích ngân sách, huy động nhân lực để gia cố tạm thời các điểm xói lở, nứt nẻ bằng nhiều vật liệu khác nhau. Lâu dài, thông qua các dự án nâng cấp đê của các bộ ngành, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng câp, xây mới trong thời gian tới”, ông Hùng thông tin.

Theo thống kê ban đầu, thiệt hại về hạ tầng giao thông sau lũ trên địa bàn TP. Huế chiếm trên 25 tỷ đồng, trong đó nhiều mặt đường bị hư hỏng nặng; các đê kè ở sông Đông Ba, Bạch Yến, Nhất Đông, Như Ý bị sạt lở và hệ thống cầu cống xuống cấp do lũ ngâm nhiều ngày. Để đảm bảo an toàn cho dân, Phòng Quản lý đô thị đã chỉ đạo Công ty Đường bộ khẩn trương sà soát các tuyến đường và bố trí lực lượng triển khai cấp đối đá dăm tạm thời, sau đó sẽ thảm nhựa và đổ bê tông; thực hiện rào chắn và đặt biển báo tại các điểm kè trên các sông, đồng thời chuẩn bị vật tư thiết bị để khắc phục khi nước rút.

Thanh Hương

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top